Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng

Ngô Đồng| 13/10/2020 08:29

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có Công văn hỏa tốc số 5204/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng.

ADQuảng cáo

Tính đến ngày 7/10, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 320 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2019 (208 ca); có 12 ổ dịch, trong đó 8 ổ dịch tại trường học và 4 ổ dịch tại cộng đồng. Dự báo tình hình bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất lớn.

Vì vậy, Sở Y tế chủ động, phối hợp triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông sâu rộng về phòng, chống bệnh tay chân miệng đến cộng đồng, trường học, tập trung vào phụ huynh có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương…

Ảnh minh họa

Các cơ sở y tế phát hiện sớm ca bệnh, thực hiện tốt công tác cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để, không để bệnh lây lan trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp biến chứng nặng và tử vong.

ADQuảng cáo

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng bệnh như: hàng ngày phải vệ sinh khử khuẩn lớp học, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, bảo đảm có đủ xà phòng rửa tay, nước sạch tại các lớp học.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày khi đến lớp, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi mắc bệnh tay chân miệng cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, phối hợp chặt chẽ với gia đình và cơ sở y tế trong việc cách ly ca bệnh, vệ sinh khử khuẩn bề mặt tiếp xúc trong xử lý ổ dịch, theo dõi các trẻ có tiếp xúc với ca bệnh nghi mắc để phát hiện sớm và thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp với Sở Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan về bệnh tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế; tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân biết, chủ động phòng, chống tay chân miệng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn, khống chế không để bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nhóm trẻ tự phát trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng chống bệnh tay chân miệng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO