Nguy cơ xâm nhập bệnh Chikungunya vào Đắk Nông là rất lớn

Ngô Đồng thực hiện| 21/08/2020 09:08

Ngày 13/8, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4160/UBND-KGVX về việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh Chikungunya tại Campuchia lây lan vào địa bàn Đắk Nông. Để hiểu rõ hơn về dịch bệnh này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

PV: Trước tình hình bệnh Chikungunya đang bùng phát tại Campuchia, hiện ngành Y tế đã có những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này xâm nhập vào địa bàn tỉnh, thưa bác sĩ?

BS Đặng Thành: Theo Tổ chức Y tế thế giới, Chikungunya là bệnh do vi rút, được lây truyền sang người thông qua muỗi Aedes nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 -7 ngày với các triệu chứng phổ biến là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban. Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh này giống như bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Tính đến ngày 6/8, Campuchia đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc bệnh Chikungunya tại 12 tỉnh, thành, trong đó có 3 tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Chikungunya và Zika. Tuy nhiên, Đắk Nông có khoảng 141 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, trong đó có 2 cửa khẩu là Bu Prăng và Đắk Puer nối thông với tỉnh Mondulkiri nên nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh là rất lớn.

Để phòng chống dịch bệnh Chikungunya xâm nhập vào cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế của 8 huyện, thành phố triển khai giám sát tại các cơ sở y tế và cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh nếu có.

Đồng thời, ngành Y tế thực hiện việc điều tra xác minh ca bệnh, khai thác chi tiết tiền sử dịch tễ từ vùng có dịch, nhất là tại 2 huyện Đắk Mil, Tuy Đức có 2 cửa khẩu để nhanh chóng khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

PV: Bác sĩ hãy cho biết các biện pháp phòng bệnh Chikungunya?

BS Đặng Thành: Bệnh Chikungunya hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Theo ghi nhận, bệnh Chikungunya không gây chết người và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau 7-10 ngày, khi mắc bệnh chủ yếu theo dõi và điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau và các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể để lại di chứng viêm khớp dai dẳng hoặc có thể tử vong nếu đồng thời cùng mắc các bệnh nền như sốt rét, viêm màng não…

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng/bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng bình xịt, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Cuối cùng là tích cực phối hợp với chính quyền và cơ quan y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Một điều quan trọng nữa là để phòng bệnh Chikungunya cũng như sốt xuất huyết và Zika hiệu quả hơn, trong thời điểm thời tiết diễn biến thất thường hiện nay, người dân cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi hợp lý nhằm nâng cao thể trạng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ xâm nhập bệnh Chikungunya vào Đắk Nông là rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO