Giúp học sinh hiểu biết, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bạch hầu

Nguyễn Hiền| 28/06/2020 15:27

Trước tình hình bệnh bạch hầu phát sinh, gây nhiều lo lắng trong cộng đồng, với trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục đã vào cuộc, tích cực tổ chức các hoạt động giúp học sinh, phụ huynh phòng, chống bệnh bạch hầu hiệu quả.

ADQuảng cáo

Phối hợp tiêm vắc xin cho học sinh

Tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho học sinh các khối lớp. Chị Nguyễn Thanh Lợi, phụ huynh có con học tại trường cho biết: “Thông qua nhà trường, các phương tiện thông tin, tôi  nắm được hiện nay bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trong tình, chủ yếu là trẻ nhỏ. Tôi rất lo lắng nhưng được biết có thể phòng, tránh cho con bằng cách tiêm phòng vắc xin. Vì vậy, khi trường thông báo có ngành y tế về tiêm tại trường, tôi đã nói cho nhiều phụ huynh khác cùng đăng ký tiêm cho con”.

Cán bộ y tế lấy thông tin và khám cho học sinh Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa)

Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Lê Hồng Phong, trường đã thông báo cho tất cả phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh qua nhiều kênh như thông báo trên bảng tin, qua học sinh, qua tin nhắn Edu. Hiện nay trường có gần 50% học sinh đăng ký tiêm tại trường. Bên cạnh vẫn tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh đi học trở lại, nay xuất hiện bệnh bạch hầu, trường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày….

Tiêm phòng cho trẻ nhỏ là điều hết sức cần thiết

Bác sĩ Lê Dư, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa) cho biết: "Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế thành phố đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống  bệnh bạch hầu trong cộng đồng, nhất là phối hợp với các trường học tiêm vắc xin cho học sinh. Do nhu cầu nhiều nên việc liên hệ vắc xin hiện nay cũng có phần khó khăn, nhưng cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu tiêm cho trẻ. Dựa vào lượng vắc xin được cung ứng về, Trung tâm sẽ triển khai tiêm phòng cho học sinh ở tất cả các trường trên địa bàn khi phụ huynh đăng ký”.

Dự kiến, ngành Y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại tất cả các trường học

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Dư, Trong bối cảnh bệnh bạch hầu phát sinh hiện nay, việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ là điều hết sức cần thiết. Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên cần tiêm mũi nhắc. Khi tổ chức tiêm ở các nhà trường, phụ huynh cũng có thể đăng ký tiêm vắc xin (Người lớn tiêm 3 mũi, mũi thứ 2 cách mũi thứ 1 khoảng 1 tháng và mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 6 tháng).

Trước đó, vào những tháng cuối năm 2019, với diễn biến bệnh xuất hiện ở các tỉnh, thành, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã phối hợp triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều cho 17.000 trẻ 7 tuổi, bao gồm tất cả học sinh khối lớp 2 trong toàn tỉnh và trẻ 7 tuổi đang theo học lớp 1 hoặc trong cộng đồng thuộc vùng có nguy cơ cao.

Tăng cường tuyên truyền

Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) là trường nằm cận kề với xã Quảng Hòa-nơi xuất hiện ổ dịch, nên nhà trường đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong học sinh, phụ huynh về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Chiên cho biết: “Trường hiện có 786 học sinh các khối lớp, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, trường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với học sinh, trường đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trong các giờ chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, trong các giờ dạy để các em biết cách phòng, chống bệnh".

Học sinh Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, qua nắm bắt tình hình chung, hiện nay bệnh bạch hầu đang diễn biến khá phức tạp, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Theo chủ trương chung, để phòng, chống bệnh, ngành Giáo dục cho học sinh các khối lớp ở xã Quảng Hòa  (Đắk Glong) được nghỉ học trong thời gian cách ly. Sau thời gian cách ly, các trường có nhiệm vụ tổ chức dạy học, ôn tập lại cho học sinh.

Sở GD-ĐT còn chỉ đạo mỗi trường phải thành lập một Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh nhằm ứng phó với tất cả các tình hưống có thể xảy ra. Đồng thời, tất cả các cơ sở giáo dục tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh, học sinh nhằm hạn chế  số ca mắc bệnh hiện nay. Các trường cũng cần phổ biến đến phụ huynh nếu phát hiện con em mình có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời theo khuyến cáo của ngành Y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp học sinh hiểu biết, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO