Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19

Thùy Dương (t.h)| 03/04/2020 08:39

Bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cơ thể con người có thể tăng cường sức đề kháng phòng chống khỏi dịch bệnh. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), chế độ dinh dưỡng và bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện tốt cũng sẽ góp phần phòng chống dịch Covid-19.

ADQuảng cáo

Người cao tuổi cần phải bảo đảm dinh dưỡng

Trước hết là việc bảo đảm an toàn thực phẩm, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khi đi mua thực phẩm, người dân cần sử dụng găng tay, khẩu trang; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.

Người dân nên rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà. Khi chế biến thực phẩm tại nhà, mọi người sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm; sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để bảo đảm tiêu diệt các mầm bệnh (như vi rút, vi khuẩn...).

Trẻ em cần ăn uống điều độ, đủ số lượng

Trong việc phòng, chống bệnh thì việc thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể là rất cần thiết. Do đó, bữa ăn cần cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Người dân cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin A; C; D; E; sắt; kẽm; selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, trong quá trình lựa chọn các thực phẩm cần tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…

Thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…) nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên hoặc khi cơ thể được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Uống nước đúng cách góp phần phòng chống dịch Covid – 19. Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp.  Không được để miệng và cổ họng khô; cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát. Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọ; những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.

Trong giai đoạn hiện nay, một số đối tượng cần chú ý chế độ dinh dưỡng hơn là người cao tuổi, trẻ em và những người đang mắc bệnh mạn tính. Đối với người cao tuổi, đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Đối với trẻ em, cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ; tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Với những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO