Chuyện phòng dịch ở "tâm dịch" bạch hầu

Ngô Đồng| 30/06/2020 17:52

Trong chuyến vào “tâm dịch” bạch hầu ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong), xã Quảng Phú (Krông Nô), bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống bệnh của đội ngũ cán bộ y tế, chúng tôi nhận thấy ý thức phòng dịch, vệ sinh môi trường của đồng bào trong khu vực còn rất nhiều điều đáng nói…

ADQuảng cáo

Chật chội và ẩm thấp

Cùng với đội ngũ y bác sĩ khám sàng lọc và truy vết các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính với bạch hầu tại cụm dân cư đồng bào dân tộc Mông ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, đập vô mắt chúng tôi là những ngôi nhà nằm trên sườn đồi, dọc theo con đường mòn gập ghềnh khó đi, nhà nọ nối tiếp nhà kia, chen ngang chen dọc.

Chuẩn bị thuốc điều trị dự phòng đưa vào "tâm dịch" phục vụ bà con

Vừa dẫn đường vừa trò chuyện với chúng tôi là bác Trưởng thôn Lục Văn Hiệp, người dân tộc Tày. Bác Hiệp băn khoăn cho biết: "Các hộ gia đình trong cụm này 100% là đồng bào Mông, tập quán sinh sống, lao động khác với nhiều bà con dân tộc khác trong vùng nên rất khó tiếp cận. Nhà nào di cư vào trước thì dựng nhà trước, nhà nào vào sau dựng nhà sau.

Thậm chí, nhiều gia đình còn chưa có hộ khẩu hoặc không dám làm vì sợ không được ở lại, nên việc kiểm soát rất khó. Hơn nữa, vì tập quán, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con thường dựng nhà kiểu tạm bợ, có gì tận dụng nấy, nên rất chật chội và ẩm thấp".

Điều bác Hiệp nói có thể thấy rất rõ ở cụm dân cư này, có nhà mới dựng lên tạm bợ; có nhà phên vách bị hỏng được thay vào đó là những tấm tôn cũ đã hoen rỉ; có nhà ngồi trong nhà mà nhìn thấy cả trời xanh...Chưa kể, đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình của các hộ hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài những chiếc phản bằng gỗ đơn sơ. Cộng thêm đất chật, người đông, chó, mèo, gà, vịt nuôi xung quanh nhà nên bốc lên nhiều mùi khó chịu...

Con đường truy vết bệnh gập ghềnh

Đến một hộ dân, nhìn thấy một cháu bé đang tắm trong thau nước đục, đoàn y tế hỏi gia đình nước tắm lấy từ đâu thì mẹ cháu cho hay nguồn nước được dẫn từ khe nước trên đồi cao về. Và dòng nước vẩn đục này là nguồn nước chính dùng cho mọi sinh hoạt từ tắm, giặt, ăn uống cho cả một nhóm 3 gia đình xung quanh.

Chỉ tay lên mái bị hỏng, anh Sùng A Lâu trú tại thôn Phú Vinh chia sẻ: "Nhà tôi có 10 người, tôi lại là lao động chính trong nhà. Đến ngày mùa, hôm nào khỏe tôi xuống trung tâm huyện, không thì sang huyện Đam Rông (Lâm Đồng) làm thuê kiếm thêm tiền rau, cháo cho cả gia đình. Hôm nào tôi ốm đau thì ở nhà, cả nhà ăn cơm với muối…".

Nước sinh hoạt dẫn về từ khe nước trên đồi cao sau nhà đục ngầu

Nhớ thì tiêm phòng, không nhớ thì thôi!

ADQuảng cáo

Ở "tâm dịch" bạch hầu xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cũng tương tự, không khác gì. Qua lời kể của cán bộ y tế, người dân ở cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa, ngay những ngày đầu tiên khi trường hợp bé S.T.H 9 tuổi bị dương tính với bệnh bạch hầu phải nhập viện và sau đó tử vong, bà con vẫn còn hết sức thờ ơ, chỉ nghĩ đây là cảm sốt thông thường.

Khi chúng tôi hỏi các cháu nhỏ trong gia đình đã được tiêm chủng chưa thì đa phần bà con đều lắc đầu nói: “Không tiêm”. Hoặc một số ít thì nói có tiêm nhưng tiêm không đầy đủ và không nhớ tiêm khi nào.

Chị Hoàng Thị Dinh ở thôn 6, xã Quảng Hòa chia sẻ: “Mình đông con, nhà lại nghèo lo kiếm ăn từng bữa nên không nhớ lịch tiêm phòng cho con, nhớ thì tiêm phòng, không nhớ thì thôi”. Chúng tôi tiếp tục hỏi khi mang thai, chị có đến trạm y tế để tiêm vắc xin phòng uốn ván không thì cũng nhận được cái lắc đầu tương tự như những trường hợp khác.

Trẻ em nheo nhóc bên những ngôi nhà tạm bợ

Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: "Tỷ lệ tiêm chủng của địa phương đạt khá thấp, chỉ khoảng 50-60%, nhất là tại khu vực thôn 6 hay các cụm dân cư có đông đồng bào Mông sinh sống, có thể xem đây là "vùng lõm" trên biểu đồ tiêm chủng của huyện. Mặc dù chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, từ loa, đài truyền thanh, tờ rơi nhưng hiệu quả vẫn chưa cao".

Chị Nga còn kể cho chúng tôi nghe chuyện, trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng, khi đến tận từng hộ gia đình thì luôn nhận được vô vàn cái lắc đầu từ chối, với những lý do dở khóc dở cười như “sợ con ốm”, “ngại”, “không muốn tiêm”…Thậm chí, nhiều hộ gia đình sẵn sàng ký tên, điểm chỉ vào “bản cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng” một cách vui vẻ mà không hề nghĩ rằng hậu quả sau đó, mặc cho cán bộ y tế hết lời khuyên nhủ.

Bà con cần nâng cao ý thức phòng bệnh

Trước sự thờ ơ, chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe, cộng thêm đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, tỷ lệ sinh con đông của đồng bào vùng "tâm dịch" thực tế đã làm cho công tác phòng, chống bệnh bạch hầu của ngành Y tế địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-người có mặt tại "tâm dịch" Quảng Hòa ngay từ những ngày đầu tiên, sau khi nhận thông tin từ ca bệnh, đội ngũ cán bộ y tế của Trung tâm, cụ thể là Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã khẩn trương chuẩn bị tư trang y tế, thuốc men dự phòng xuống ngay ổ bệnh để nhanh chóng vào cuộc, khoanh vùng, truy vết, khám sàng lọc. Nhưng điểm mấu chốt không phải là đây mà quan trọng nhất là ý thức của bà con trong khu vực.

Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đối với trường hợp nghi ngờ

Việc cần làm lúc này là bà con cần nâng cao ý thức phòng bệnh, hiểu được tính chất nguy hiểm và phức tạp của bệnh để làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế như tiêm phòng đầy đủ, uống kháng sinh đúng liều điều trị dự phòng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và khi có dấu hiệu ho, đau họng, sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế. Bà con không nên để bệnh quá nặng thì mới đưa đến khám, như trường hợp của bé H khi đến khám thì đã qua muộn rồi .

Lúc này bệnh đã lây lan trong cộng đồng xung quanh, rất khó cho việc khoanh vùng, dập dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, điều quan trọng nhất là ngành Y tế cùng phối hợp với chính quyền địa phương đang nỗ lực vào cuộc phòng, chống bệnh bạch hầu, giúp bà con ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện phòng dịch ở "tâm dịch" bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO