Báo động gia tăng bệnh dại trên động vật nuôi trong cộng đồng

Ngô Đồng| 14/05/2020 08:42

Bệnh dại hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể tiêm phòng sớm, đúng và đủ liều mới cứu sống được người mắc bệnh. Bệnh dại có thể xuất hiện quanh năm trên động vật và lây truyền sang người qua vết thương hở. Đặc biệt, trời nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 năm từ 2017 - 2019, toàn tỉnh ghi nhận 7 ổ dịch do chó dại cắn và phần lớn nhờ phát hiện sớm nên các đơn vị chức năng đã can thiệp kịp thời, ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng. Những người bị chó cắn cũng kịp thời tiêm vắc xin phòng bệnh và tiêm huyết thanh nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng việc bị chó dại cắn khiến bệnh nhân chịu tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, gây hoang mang, lo lắng. Mặt khác, khi bị chó, mèo mắc dại cắn, nếu không tiêm vắc xin và huyết thanh kháng độc tố kịp thời, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong do hiện nay chưa có thuốc điều trị đối với bệnh nhân dại lên cơn.

Chó, mèo, các vật nuôi cảnh trong gia đình cần tiêm phòng dại đúng quy định

Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, số người tiêm vắc xin phòng chống dại và huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn trên địa bàn tỉnh hơn 1.100 ca. Các địa phương có số người tiêm phòng dại nhiều nhất là Đắk R’lấp, Đắk Song và đáng buồn đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 2 huyện Đắk Glong và Đắk Song. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Việc liên tục có người tử vong do phơi nhiễm vi rút dại đã báo động về tình trạng gia tăng bệnh dại trên động vật nuôi trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong cho biết: "Vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra 2 cái chết thương tâm do bệnh dại gây nên, mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Trên thực tế, số người có phơi nhiễm với bệnh dại khá nhiều nhưng không đi tư vấn, tiêm phòng vắc xin, kháng huyết thanh nên nguy cơ đe dọa đến tính mạng khá cao".

Cũng theo bác sĩ Huynh, thời gian ủ bệnh dại thông thường từ 1 - 3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ, vị trí của vết cắn có liên quan đến nhiều dây thần kinh và có gần não hay không… Nhưng khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần phải xử lý kỹ và sớm ngay chỗ cắn nhằm làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại nơi xâm nhập bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng nhiều lần, sau đó sát trùng bằng các dung dịch như cồn rồi đi tiêm vắc xin phòng dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Nguồn mang bệnh chủ yếu là chó, mèo; do lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương. Hoặc gián tiếp do người hay gia súc bị tổn thương cơ giới tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo bị dại, cũng có thể vi rút qua niêm mạc mắt. Vi rút dại không sinh sản ở vết cắn mà theo dây thần kinh về hạch rồi vào thần kinh trung ương, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và dẫn đến tử vong.

Để phòng, chống bệnh dại và giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, việc tiêm phòng cho vật nuôi là biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất. Đồng thời, mỗi gia đình, cá nhân tích cực tham gia phòng và quản lý tốt vật nuôi của mình, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động gia tăng bệnh dại trên động vật nuôi trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO