Xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: “Nhờn thuốc”

Vũ Trang| 17/01/2018 09:49

Việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động này vẫn chưa được triển khai thường xuyên, đồng bộ.

ADQuảng cáo

Chỉ như “muối bỏ bể”

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.247 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý thì hơn 50% là cơ sở nhỏ lẻ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn nhân lực về lĩnh vực VSATTP còn thiếu. Hiện, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác VSATTP thuộc cả 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp chỉ có 123 người. Tại tuyến cơ sở, các ngành Công thương, Nông nghiệp  hầu như đều không có chuyên trách riêng về lĩnh vực VSATTP. Đối với ngành Y tế, hiện nay, tại 71 xã, phường, thị trấn cũng không có chuyên trách riêng về VSATTP mà chỉ kiêm nhiệm. Trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu trên tất cả các tuyến, các ngành, đặc biệt là phòng kiểm nghiệm, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh...

Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh test nhanh các mẫu rượu tại cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Thiếu kinh phí, nhân lực nên công tác thanh, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, chỉ tập trung trong những thời gian cao điểm như Tháng hành động, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Số cơ sở được thanh, kiểm tra mỗi năm cũng không nhiều, thực sự chỉ như “muối bỏ bể””.

Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Thành cho biết thêm: “Chỉ riêng các đoàn liên ngành, chuyên ngành tuyến tỉnh, trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu các cơ sở hợp tác tốt, mỗi ngày cũng chỉ có thể kiểm tra 6-8 cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều cơ sở thiếu sự hợp tác, nên có những ngày, đoàn chỉ kiểm tra được 2-3 cơ sở. Trong khi đó, mỗi địa phương chỉ được thanh, kiểm tra 1-2 ngày trong một đợt”.

Vi phạm nhiều... xử lý ít

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức hơn 300 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về vấn đề bảo đảm VSATTP từ tỉnh đến cơ sở. Trong hầu hết các đợt ra quân, mặc dù số lượng cơ sở kiểm tra và phát hiện vi phạm nhiều nhưng việc xử phạt lại rất hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh tổ chức được 376 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và tiến hành kiểm tra 3.599 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn; trong đó, phát hiện có 924 lượt cơ sở vi phạm các điều kiện VSATTP, chiếm 25,7%. Tuy nhiên, trong 924 cơ sở vi phạm chỉ có 142 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm 15,4%.

ADQuảng cáo

Một trong những nguyên nhân được các ngành chức năng lý giải là do thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt. Thực tế, trong các đợt thanh, kiểm tra, các ngành chức năng hầu như chỉ kiểm tra thủ tục hành chính, quan sát thực tế cơ sở hoặc sử dụng các test nhanh để kiểm nghiệm thực phẩm. Tuy nhiên, đối với một loại thực phẩm nào đó, mặc dù kết quả test nhanh cho thấy không bảo đảm VSATTP nhưng cũng không thể xử lý hoặc tịch thu sản phẩm vì việc thử nghiệm thực phẩm cho kết quả ngay bằng test nhanh không đủ cơ sở pháp lý.

Đối với tuyến tỉnh đã khó, tại tuyến cơ sở, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực VSATTP lại càng khó hơn. Theo thống kê, trong năm 2017, tuyến tỉnh thành lập được 17 đoàn thanh, kiểm tra và tiến hành kiểm tra 221 cơ sở; trong đó có 108 cơ sở vi phạm chiếm 49%. Số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính là 64 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 127 triệu đồng. Trong khi đó, tuyến cơ sở thành lập được 259 đoàn thanh, kiểm tra 3.378 cơ sở, nhưng chỉ có 816 cơ sở bị phát hiện vi phạm, chiếm hơn 24%.

Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở vi phạm đều chỉ bị nhắc nhở. Thậm chí, tại một số địa phương, 100% cơ sở vi phạm đều chỉ dừng lại ở mức xử lý nhắc nhở. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các cơ sở bị “nhờn thuốc”, thường xuyên lặp lại vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Thành nói: “Đôi lúc, đôi nơi công tác thanh, kiểm tra chỉ mang tính chất hình thức, hiệu quả không cao. Tôi không nói là buông lỏng nhưng thực tế là thiếu nghiêm túc, quyết liệt, nặng về sự quen biết, nể nang”.

Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa

Tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất

Có thể nói, vấn đề bảo đảm VSATTP tuy không mới nhưng luôn được người tiêu dùng cũng như xã hội quan tâm. Để thay đổi nhận thức, hành vi của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm VSATTP, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, công tác thanh, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa.

Muốn làm được điều này, các ngành chức năng cần phải xây dựng những giải pháp đồng bộ, từ đào tạo, bố trí nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thanh, kiểm tra, cho đến đầu tư trang thiết bị, máy móc. Chế tài xử phạt cũng cần nghiêm khắc hơn nữa nhằm tạo sức răn đe cần thiết. Đặc biệt, cùng với việc thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trong các đợt cao điểm, các hoạt động kiểm tra đột xuất, hậu kiểm cũng phải được tăng cường để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm.

Có như vậy mới từng bước giải quyết căn bản các vấn đề liên quan đến VSATTP, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VSATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: “Nhờn thuốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO