Xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV: Cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng

Vũ Trang| 01/12/2015 09:09

Những năm gần đây, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đâu đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn còn phổ biến trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

Thực tế đó không những ảnh hưởng đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, mà còn trở thành rào cản cho vấn đề phát hiện, quản lý bệnh tại cộng đồng.

Người dân xét nghiệm HIV tự nguyện tại cộng đồng

KỲ THỊ VẪN PHỔ BIẾN

Một lần, có dịp cùng tham gia đợt giám sát cộng đồng của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi gặp gia đình chị H.T.G ở xã Buôn Choáh (Krông Nô). Cả hai vợ chồng chị bị lây nhiễm HIV gần 10 năm, nhưng nhờ tuân thủ tốt các quy định điều trị bệnh và áp dụng đầy đủ các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên đã sinh được một con gái âm tính với HIV.

Mặc dù con gái chị không bị nhiễm HIV, nhưng đến tuổi đi học, cháu vẫn bị kỳ thị và không được đến trường. Nguyên nhân là do các bậc phụ huynh khác không muốn con cái của họ học chung với cháu.

Theo chị G, với chị, nỗi đau bệnh tật có thể chấp nhận và vượt qua, nhưng chị không khỏi chạnh lòng, mặc cảm khi nhìn thấy con gái bị mọi người xa lánh, kỳ thị, không được học hành và vui chơi với bạn bè đồng lứa. Vì vậy, qua tìm hiểu thì được biết, hiện nay, gia đình chị đã bỏ nhà đi nơi khác, không còn tham gia điều trị bệnh tại địa phương.

Tương tự, cũng vì sợ bị mọi người kỳ thị mà sau khi sinh đứa con thứ hai với kết quả âm tính với HIV, chị T.H ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã mang cho đứa con của mình.

Chị H. chia sẻ: “Người mẹ nào cũng đau lòng khi phải xa đứa con mình đứt ruột đẻ ra, nhưng vì tương lai của con, tôi phải ngậm ngùi chấp nhận. Tôi đã sống trong sự bàn tán, kỳ thị của xã hội, nên không muốn con mình cũng bị như thế”.

Không chỉ người nhiễm HIV bị kỳ thị mà những người có nguy cơ nhiễm HIV cao khi đến cơ sở y tế làm xét nghiệm cũng thường xuyên bị bàn tán. Một số trường hợp cai nghiện ma túy bằng phương pháp Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, do cơ sở cai nghiện đặt trong trung tâm nên họ cũng bị dòm ngó, bàn tán vì cho rằng, bản thân bị nhiễm HIV nên hàng ngày mới phải đến lấy thuốc điều trị (?). Ngay cả chúng tôi khi đến trung tâm tác nghiệp, gặp người quen cũng bị cho rằng là đến xét nghiệm HIV vì có nguy cơ lây nhiễm...

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, hiện nay, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn đang diễn ra rất phổ biến. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân về HIV và các quan niệm sai lầm về sự lây truyền HIV, vẫn coi HIV là tệ nạn xã hội.

Chính việc kỳ thị này đã làm người nhiễm HIV ngại tham gia điều trị cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác vì sợ bị phát hiện. Người có nguy cơ nhiễm HIV cũng không dám đến cơ sở y tế để xét nghiệm, hoặc nếu có cũng không chia sẻ thông tin thật về tên tuổi, địa chỉ...Đây là rào cản lớn nhất khiến ngành Y tế khó làm tốt công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân nhiễm HIV tại cộng đồng.

Ngành Y tế thăm hỏi, động viên, hướng dẫn người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI THÁI ĐỘ KỲ THỊ

Theo ông Tăng Hải Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, việc phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, cộng đồng dân cư đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Do đó, việc đầu tiên là mỗi người dân cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, các con đường lây truyền cũng như phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và gia đình. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện, quan niệm sai lầm về HIV, nhất là thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Chính quyền các địa phương cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng; đồng thời, giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV vươn lên, sống hòa nhập cộng đồng.

Cũng theo ông Hùng, về phía ngành Y tế, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thì sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV. Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở cũng sẽ được chú trọng.

Trong đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ y tế phải được quan tâm hàng đầu. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV: Cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO