Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất

Vũ Trang| 11/03/2019 10:38

Từ đầu năm 2019, số lượng các ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng. Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh sởi sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống bệnh.

ADQuảng cáo

Nếu trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: Trẻ bị sốt được khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 5/3, toàn tỉnh ghi nhận có 373 trường hợp sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 33/71 xã, phường, thị trấn, tăng 370 ca so với cùng kỳ năm trước. Số trường hợp dương tính với vi rút sởi là 105 trường hợp. Tuy Đức là địa phương có số trường hợp nghi mắc bệnh sởi cao nhất tỉnh.

Được biết, ngày 5/1, Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên tại bản Ninh Hòa, xã Đắk Ngo. Đến nay, số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn huyện đã tăng lên 235 trường hợp, chiếm hơn 63,5% số ca mắc toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở xã Đắk Ngo.

Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường các hoạt động truyền thông trong cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về bệnh sởi. Công tác giám sát được chú trọng nhằm phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Các địa phương tăng cường rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi, hoặc tiêm chưa đầy đủ để thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

ADQuảng cáo

Hiện nay, hai địa phương có số ca mắc sởi cao là Tuy Đức và Đắk R’lấp đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại 17 xã, thị trấn và Trung đoàn 720 với tổng số trường hợp trong diện được tiêm là 13.890 trẻ. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng được chỉ đạo tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo và tử vong...

Thực tế, những năm qua, mặc dù ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn, kiểm soát nhưng bệnh sởi vẫn xuất hiện rải rác và có xu hướng tăng nhanh theo chu kỳ khoảng 4-5 năm, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không thể bao phủ. Tại tỉnh Đắk Nông, giai đoạn năm 2013 đến 2014, dịch sởi xảy ra trên diện rộng, tập trung ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp. Nếu theo tính chu kỳ thì năm 2018 và năm 2019 được cảnh báo là năm bệnh sởi bước vào giai đoạn gia tăng trở lại, nguy cơ bùng phát dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp, có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong.

Hiện nay, tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi. Vì vậy, các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, bảo đảm trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi vắc xin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng. Trường hợp trẻ trên 9 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 1 hoặc trẻ trên 18 tháng tuổi mà vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 2 phải khẩn trương đưa trẻ ra trạm y tế xã, phường để được khám, tư vấn tiêm bù cho trẻ càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, phụ huynh cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, sốt hoặc phát ban… Nếu trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO