Thu hút cán bộ y tế chất lượng cao: Cần những chính sách đãi ngộ cụ thể, hợp lý

Vũ Trang| 18/06/2014 09:56

Những năm qua, mặc dù ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút y, bác sĩ về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay, tình trạng thiếu nguồn nhân lực trình độ cao vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở.

ADQuảng cáo

"Nóng"chuyện thiéu bác sĩ

Theo thống kê của ngành y tế, hiện toàn ngành có 2.032 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 16,2%. Số bác sĩ chỉ đạt 6 bác sĩ/vạn dân. Dược sĩ đại học đạt 0,23 dược sĩ/vạn dân.

Trạm y tế xã Đắk Ngo (Tuy Đức) không có bác sĩ nên công tác chăm sóc sức khỏe người dân còn gặp nhiều khó khăn

So với nhu cầu thực tế, số lượng y, bác sĩ còn quá ít, chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như việc triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2013, bệnh viện có hơn 380 cán bộ, viên chức, trong đó chỉ có 76 bác sĩ.

So với chỉ tiêu biên chế, bệnh viện hiện còn thiếu khoảng 40 bác sĩ. Bác sĩ Trần Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Do thiếu bác sĩ nên bệnh viện phải huy động đội ngũ y, bác sĩ hiện có làm việc ngoài giờ để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực.

Ngoài hệ điều trị, hầu hết các đơn vị y tế tuyến tỉnh khác như trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, trung tâm phòng, chống bệnh xã hội… đều chung tình trạng trên. Cụ thể, mỗi đơn vị chỉ có khoảng 3-5 bác sĩ làm việc, chủ yếu đảm nhiệm công tác quản lý.

Ông Trần Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội cho biết: “Ngoài công tác dự phòng, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y, bác sĩ trình độ cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, đơn vị có khoa chăm sóc sức khỏe tâm thần nhưng nhiều năm liền vẫn không tìm được bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Do đó, đến nay, hoạt động của khoa gặp rất nhiều khó khăn”.

Khó "giữ chân" bác sĩ

Việc tuyển dụng bác sĩ và dược sĩ đại học vào công tác tại các cơ sở y tế công lập vốn đã khó, tuy nhiên, để “giữ chân” đội ngũ này ở lại công tác lâu dài tại đơn vị lại càng khó hơn. Không ít trường hợp y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã và đang có xu hướng “chuyển vùng”, “chuyển ngành”.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2004-2012, toàn ngành tuyển dụng được 30 bác sĩ và 4 dược sĩ đại học. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, có đến 18 bác sĩ và 1 dược sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác tới địa phương khác.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính là do điều kiện sinh hoạt, môi trường công tác, cơ hội phát triển… tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ. Một bác sĩ sau khi tốt nghiệp về công tác tại bệnh viện công lập chỉ được hưởng các chế độ lương, phụ cấp theo Nhà nước quy định, trong khi đó nếu làm việc ở các thành phố lớn nơi có nhiều bệnh viện tư nhân thì mức thu nhập có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.

Về chính sách thu hút, đãi ngộ, tuy từ năm 2008, UBND tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ viên chức về công tác trong tỉnh nhưng do mức đãi ngộ thu hút còn thấp so với thực tế sinh hoạt và các chi phí khác nên rất khó để tuyển dụng được nhân tài.

Cụ thể, đối với bác sĩ, dược sĩ đào tạo hệ chính quy có cam kết công tác tại tỉnh với thời gian 5 năm trở lên thì được tuyển thẳng thông qua xét tuyển, cộng với mức hỗ trợ một lần từ 10-20 triệu đồng/người. Cùng với đó, một thực tế đáng buồn khác đối với ngành y tế là tại một số cơ sở y tế, để thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác, các đơn vị đã tạo điều kiện cũng như hỗ trợ để họ được đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, một số cán bộ sau khi được cử đi học đã không về công tác tại đơn vị. Họ sẵn sàng nộp lại các khoản chi phí đền bù và ra đi. Điều này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như việc triển khai các hoạt động chuyên môn.

Cần một chính sách thu hút, đãi ngộ hợp lý

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” đã đề ra các chỉ tiêu như đạt 8 bác sĩ/vạn dân và 2-2,5 dược sĩ đại học/vạn dân.

Theo lãnh đạo Sở Y tế thì để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian tới, ngành sẽ phải có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa. Hiện, ngành đã xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2014-2020 để trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Theo đó, để thu hút nguồn lực trình độ cao, giải pháp quan trọng nhất vẫn là xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ hợp lý. Ngoài việc nâng mức hỗ trợ ban đầu, địa phương cũng cần xem xét một số điều kiện như chế độ phụ cấp, lương bổng, đào tạo và nhà ở cho những người mới về công tác. Ngoài ra, những cán bộ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập cũng cần có thêm chế độ đãi ngộ nhằm khích lệ tinh thần lao động, giúp họ có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút cán bộ y tế chất lượng cao: Cần những chính sách đãi ngộ cụ thể, hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO