Thiếu hiểu biết khi sử dụng thuốc nam: Tiền mất tật mang

Vũ Trang| 04/04/2016 10:43

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, việc sử dụng các loại thuốc nam là vô hại vì thuốc được chế biến từ cây cỏ, hoa lá trong tự nhiên. Nhiều người uống thuốc theo sự “truyền tai”, “mách bảo” của người khác. Có người chẳng bị bệnh gì cũng đi cắt vài thang thuốc nam uống để "bồi bổ" sức khỏe. Có thể nói, những quan niệm “vô hại”, “không bổ âm cũng bổ dương” khi dùng thuốc nam chữa bệnh của một bộ phận không nhỏ người dân đã đem lại những hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của chính bản thân họ cũng như người thân trong gia đình.

ADQuảng cáo

Hơn một tuần trước, thấy con trai nổi những bọng nước trên tay, chân, chị Nguyễn Thị Xuân, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã dùng lá xoan và cây nhọ nồi giã nhỏ đắp lên. Sau vài ngày đắp thuốc, những bọng nước không những không khỏi mà còn chuyển nặng hơn. Một số vùng da bị tấy đỏ, phù nề. Khi đó, chị Xuân mới đưa con đến cơ sở y tế. Các bác sĩ cho biết, con trai chị mắc bệnh thủy đậu, nhưng do chị sử dụng các loại lá cây tùy tiện, không đúng nên một số vùng da có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử.

Tương tự, thấy trên cơ thể xuất hiện những mẩn đỏ, ngứa, chị Đặng Thu Hằng, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã dùng thuốc từ cỏ cây đắp lên dẫn tới da bị sưng tấy, lở loét, mưng mủ. Chị Hằng cho biết: “Nghe một số người trong xóm mách dùng lá này, lá kia để tắm, đắp sẽ khỏi bệnh ngay nên tôi cũng tin và làm theo. Ai ngờ rước thêm bệnh vào người. Tôi phải điều trị gần 1 tháng mới khỏi”.

Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hường, 22 tuổi, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) bị suy thận do uống thuốc nam. Được biết, chị Hường bị viêm xoang nhiều năm, được gia đình cắt thuốc nam của một thầy lang để uống. Sử dụng thuốc nam hơn 1 năm, chị Hường thường xuyên cảm thấy buồn nôn, mất ngủ, phù ở chân, tay... Sau khi khám, xét nghiệm, chị được chẩn đoán suy thận và phải tiến hành chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, vừa mất công sức vừa tốn tiền bạc.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Nguyễn Y Đông, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Khoa hiện tại đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị chứng thận hư; trong số đó có một số bệnh nhân mắc bệnh do sử dụng thuốc nam tùy tiện trong thời gian dài. Thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó, một số loại cây cỏ, thảo dược khô lại có hàm lượng kali cao. Do vậy, việc tự ý dùng các loại thuốc nam sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, nhất là những người thận yếu”.

Cũng theo bác sĩ Đông, các bệnh nhân sử dụng tùy tiện thuốc nam, thuốc bắc để chữa bệnh còn dẫn đến suy chức năng gan, nhiễm độc toàn thân... rất khó cứu chữa. Bên cạnh đó, những tai biến thường gặp do sử dụng thuốc nam bừa bãi là dị ứng, đi ngoài, buồn nôn, choáng váng, hồi hộp, tim đập nhanh, sốt cao, toàn thân phù nề, đỏ ửng và nổi bọng nước khắp người... 

Theo Hội Đông y tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 300 loài cây thuốc. Cũng như các loại tân dược, các loại thuốc đông y đều có tính hai mặt của nó. Về mặt nguyên tắc, đã là thuốc thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến tử vong khi người bệnh lạm dụng và sử dụng thuốc một cách thiếu hiểu biết, không khoa học. Vì vậy, khi người dân muốn sử dụng thuốc nam để chữa bệnh phải tìm đến các cơ sở đông y uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, có đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu hiểu biết khi sử dụng thuốc nam: Tiền mất tật mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO