Tập trung kiểm soát có hiệu quả các dịch, bệnh truyền nhiễm

Vũ Trang| 08/02/2017 10:56

Ngay từ những tháng đầu năm 2017, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát có hiệu quả các loại dịch, bệnh truyền nhiễm.

ADQuảng cáo

Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh được các địa phương duy trì thường xuyên

Theo Sở Y tế, trong năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận có 11/28 bệnh truyền nhiễm thường gặp, với 4.968 người mắc, tăng 379 ca so với năm 2015. Một số bệnh có số ca mắc tăng là: sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, viêm gan vi rút... Trong đó, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, với 2.368 ca mắc tại 65 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, tăng 1.928 ca so với năm 2015.

Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm 2017, công tác giám sát bệnh truyền nhiễm đã được tập trung duy trì và tăng cường tại tất cả các tuyến nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc mới để có biện pháp khống chế kịp thời.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Cùng với việc giám sát các địa bàn trọng điểm, Trung tâm đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã phối hợp với các cơ sở điều trị tăng cường giám sát, tổ chức hiệu quả việc thu dung, điều trị bệnh. Đặc biệt, việc nắm bắt tình hình người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm được tăng cường để phát hiện sớm các ổ dịch và có biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho người dân cũng được duy trì thường xuyên”.

Cũng theo bác sĩ Thành thì cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành cũng tập trung kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác giám sát phát hiện dịch, bệnh từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bon cũng được động viên làm việc nghiêm túc, hiệu quả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe của nhân dân tại các địa bàn dân cư.

ADQuảng cáo

Trong năm 2016, thị xã Gia Nghĩa là địa phương có tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, với 761 ca, tăng gần 90% so với cùng kỳ. Vì vậy, hiện tại, Trung tâm y tế thị xã Gia Nghĩa đã tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường theo dõi, giám sát nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ bệnh ngay từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Việc giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ được thực hiện hàng tuần, kể cả trong thời gian nghỉ tết.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tập trung chuẩn bị nguồn hóa chất, thuốc men để bảo đảm cung cấp đủ cho trạm y tế xã, phường. Ngoài tăng cường kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thường gặp, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị triển khai hoạt động vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm.

Còn tại huyện Đắk R’lấp, trong năm vừa qua, toàn huyện cũng ghi nhận có 451 ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, tăng 111 ca so với năm 2015. Đến nay, mặc dù tình hình dịch, bệnh đã tương đối ổn định, nhưng công tác giám sát, phòng, chống dịch, bệnh vẫn luôn được địa phương quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh, xử lý các ổ bọ gậy, thu gom và xử lý rác thải tại các địa bàn dân cư được chú trọng.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - chuyên trách chương trình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của huyện cho biết: “Vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hoạt động giao lưu đi lại của người dân gia tăng, cộng thêm thời tiết diễn biến thất thường là một trong những yếu tố dễ bùng phát dịch, bệnh nhất. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các hoạt động giám sát dịch, bệnh truyền nhiễm đã được địa phương triển khai nghiêm túc, nhất là ở các khu vực trọng điểm, các ổ dịch cũ, khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Phước...”.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế thì trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, nhiều loại dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ tiếp tục có nguy cơ bùng phát, nhất là sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy... Vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành Y tế, người dân trên địa bàn cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động tham gia phòng, chống bệnh tại gia đình và cộng đồng. Cụ thể, người dân cần rèn luyện thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chất thải sinh hoạt để xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là trong mùa mưa sắp tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung kiểm soát có hiệu quả các dịch, bệnh truyền nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO