Sốt xuất huyết chưa có xu hướng giảm, cần chú trọng phòng, chống hiệu quả

Vũ Trang| 11/07/2019 09:46

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 1.073 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tất cả 8 huyện, thị xã (so với cùng kỳ năm 2018 tăng 11,3 lần). Mặc dù ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có xu hướng giảm.

ADQuảng cáo

Bệnh nhân bị SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Những hạn chế trong công tác phòng, chống bệnh

Vừa bình phục sức khỏe sau một thời gian điều trị bệnh SXH, bà Nguyễn Thị Mơ ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã tích cực cùng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo sự hướng dẫn, tư vấn của nhân viên y tế.

Bà Mơ cho biết: “Gia đình tôi có 2 người mắc bệnh SXH. Trước nay, tôi vẫn nghe rất nhiều thông tin về bệnh nhưng chủ quan chưa quan tâm đến các biện pháp phòng, tránh. Sau lần mắc bệnh này, gia đình tôi cố gắng thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, đổ những dụng cụ chứa nước không cần thiết, đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt và ngủ màn… để diệt loăng quăng, bọ gậy, tránh không cho muỗi sinh sôi và truyền bệnh”.

Không riêng bà Mơ, việc thiếu chủ động và tự giác trong công tác phòng, chống bệnh cũng là tâm lý chung của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Không ít người dân xem việc phòng, chống bệnh SXH là nhiệm vụ riêng ngành Y tế nên thiếu sự chủ động tham gia. Chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra, bản thân và người thân trong gia đình mắc bệnh mới bắt tay thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách thụ động. Đây được xem là một trong những khó khăn lớn trong công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn trong suốt thời gian qua”.

Cũng theo bác sĩ Thành, hiện nay, bệnh SXH đã trở thành bệnh lưu hành thường xuyên tại địa phương với khoảng 500 ca/năm. Tuy nhiên, bệnh SHX thường có xu hướng tăng theo chu kỳ 3 năm/lần và khoảng 6 năm thì xuất hiện dịch. Năm 2019, bệnh được dự báo sẽ tăng theo chu kỳ. Vì vậy, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, các hoạt động phòng, chống bệnh SXH vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài sự chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân thì cũng còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, công tác phun hóa chất diệt muỗi tại một số ổ dịch chưa đạt hiệu quả cao do việc vệ sinh môi trường trước khi phun chưa được thực hiện một cách triệt để, còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, do kinh phí ít và chậm nên các hoạt động phòng, chống bệnh từ truyền thông, giáo dục sức khỏe đến giám sát, kiểm tra gần như chỉ được thực hiện cầm chừng…

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng  

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh, hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động loại trừ các tác nhân gây bệnh ngay tại nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác và sự hợp tác rất cao từ phía người dân, nên đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng.

Về phía ngành Y tế, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, thì cũng đang tập trung thực hiện tốt việc phun hóa chất diệt muỗi, nhất là chú trọng vệ sinh môi trường trước khi phun. Việc rà soát, kiểm tra, tái kiểm tra các ổ bọ gậy, các địa bàn có nguy cơ mắc bệnh cao sẽ được tăng cường, nhất là ở các khu vực đông dân cư, chợ, trường học, bệnh viện… Hiện tại, ngành Y tế đã tăng cường cho mỗi trung tâm y tế huyện, thị xã từ 2 - 3 máy phun hóa chất cùng với vật tư, hóa chất đầy đủ để phục vụ công tác phòng, chống bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, mặc dù đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH, nhưng đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ xảy ra những biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc theo dõi quá trình sốt của bệnh nhân là vô cùng quan trọng, qua đó giúp nhận biết những dấu hiệu để phát hiện bệnh kịp thời, phân biệt với những loại sốt khác như sốt siêu vi, sốt phát ban, sốt viêm màng não…

Dấu hiệu thường gặp của bệnh SXH là sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt. Người mệt mỏi, đau phần đầu, bụng, cơ, khớp và sau hốc mắt, xuất huyết từ ngày thứ 2, 3 trở đi sẽ có biểu hiện dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, mũi, nôn hoặc tiểu ra máu. Khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ SXH, gia đình cần đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết chưa có xu hướng giảm, cần chú trọng phòng, chống hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO