Quyết liệt hơn trong phòng, chống sốt xuất huyết

Vũ Trang| 17/07/2019 09:42

Mặc dù ngành chức năng đã vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống nhưng tình hình mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương phải tiếp tục khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống SXH.

Đoàn viên, thanh niên thị xã Gia Nghĩa tích cực thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh SXH

Số ca mắc SXH tăng nhanh

Theo đánh giá, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, nguy cơ dịch, bệnh tiếp tục lan rộng trong cộng đồng và diễn biến phức tạp. Hiện nay, bệnh SXH đã trở thành bệnh lưu hành thường xuyên tại địa phương với khoảng 500 ca/năm. Bệnh SHX thường có xu hướng tăng theo chu kỳ 3 năm/lần và khoảng 6 năm thì xuất hiện dịch. Năm 2019, bệnh được dự báo sẽ tăng theo chu kỳ.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc SXH. Thế nhưng, các hoạt động phòng, chống SXH vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài sự chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân thì cũng còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này.

Cụ thể, công tác phun hóa chất diệt muỗi tại một số ổ dịch chưa đạt hiệu quả cao do việc vệ sinh môi trường trước khi phun thuốc chưa được thực hiện một cách triệt để, còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, do kinh phí ít và chậm nên các hoạt động phòng, chống bệnh từ truyền thông, giáo dục sức khỏe đến giám sát, kiểm tra gần như chỉ được thực hiện cầm chừng…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 8/7, toàn tỉnh có 1.713 ca mắc SXH tại 8 huyện, thị xã, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 15,3 lần. Các địa phương có số ca mắc SXH cao gồm: Đắk Glong 457 ca (tăng 456 lần), Đắk R’lấp 371 ca (tăng 27,5 lần), Cư Jút 210 ca (tăng 69,1 lần), Krông Nô 172 ca (tăng 9 lần)… Số ca mắc SXH gia tăng làm cho các cơ sở y tế luôn trong tình trạng “quá tải”.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống SXH

ADQuảng cáo

Trước tình hình đó, mới đây UBND tỉnh đã có Công văn số 3288 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh SXH. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương các phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là xác định kịp thời ổ dịch, vùng nguy cơ cao và vùng đủ điều kiện để triển khai các hoạt động xử lý chậm nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện ổ dịch hoặc vùng nguy cơ cao.

Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai quyết liệt, hiệu quả các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, diệt bọ gậy, loăng quăng đến từng hộ gia đình. Công tác giám sát phải được tăng cường nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin ca bệnh, tình hình dịch, bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống. Các cơ sở khám, chữa bệnh tập huấn cho nhân viên y tế về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng thu dung, điều trị sớm cho các trường hợp mắc SXH, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành Y tế cần chủ động và phối hợp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa dịch, bệnh cho các cơ quan truyền thông để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngành Y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là ở các khu vực đông dân cư, chợ, trường học, bệnh viện…

UBND các huyện, thị xã nêu cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; huy động mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch đang hoạt động và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch kéo dài và lan rộng.

Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục duy trì hoạt động mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích phòng, chống SXH đến từng thôn, bon, tổ dân phố. Đội xung kích hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, định kỳ hàng tuần triển khai hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy và huy động các hộ gia đình trong khu vực quản lý thực hiện các biện pháp làm giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh, xử lý các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các ổ loăng quăng, bọ gậy.

Các cơ quan truyền thông phối hợp với Sở Y tế tăng cường tần suất thông tin, tuyên truyền tại vùng có ổ dịch, vùng nguy cơ cao về bệnh SXH, dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nội dung truyền thông cần nhấn mạnh để người dân hiểu biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống bệnh SXH là diệt bọ gậy, loăng quăng hàng ngày, hàng tuần tại hộ gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân cần chung tay phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch, bệnh trên địa bàn.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, để diệt loăng quăng/bọ gậy, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh, đậy kín và thay nước hàng tuần tất cả vật dụng chứa nước ăn uống, sinh hoạt; thả cá vào các vật dụng chứa nước; vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; tiến hành thu gom, tiêu hủy rác thải, lật úp dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như chum vại, vỏ lon, chai lọ, lốp xe… Khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ SXH, gia đình cần đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt hơn trong phòng, chống sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO