Quảng Trực vẫn là “vùng rốn” của bệnh sốt rét

Hồ Long| 12/12/2019 08:50

Xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được xem là “vùng rốn” của bệnh sốt rét. Công tác phòng chống bệnh ở đây gặp nhiều khó khăn do tác động của những yếu tố khách quan.

ADQuảng cáo

Là xã có diện tích rừng lớn, có đường biên giới dài hơn 30 km tiếp giáp với Campuchia và vườn quốc gia Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước, trong đó, vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, hoang sơ, rậm rạp, là môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt rét sinh sôi phát triển.

Toàn xã rộng gần 56.000 ha nhưng chỉ có hơn 2.000 hộ dân sinh sống rải rác khắp các khu vực. Người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Dân di cư tự do đến xã ngày một đông, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn cao. Đời sống bà con luôn gắn liền với vườn rẫy, vì vậy nguy cơ mắc sốt rét rất lớn.

ADQuảng cáo

Nhiều năm liền, Quảng Trực luôn có số bệnh nhân sốt rét cao nhất địa bàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu tập trung ở đối tượng đi rừng, đi rẫy. Ngoài nông dân làm rẫy, làm nương, đa số đàn ông trưởng thành xã Quảng Trực tham gia bảo vệ rừng quốc gia Bù Gia Mập. Hiện tại, xã có 7 nhóm/tổ tham gia bảo vệ rừng với gần 250 người. Các đối tượng này thường xuyên bị mắc sốt rét. Nhiều tổ cả 25-30 người đi tuần tra đều bị mắc bệnh, thậm chí có người mắc sốt rét 2, 3 hay 4 lần/năm.

Để công tác phòng chống sốt rét đạt hiệu quả, giảm thiểu tối đa số người mắc sốt rét tại Quảng Trực cần phải có những giải pháp sâu xa nhằm giải quyết triệt để những tồn tại khách quan. Ngoài những nỗ lực chuyên môn của ngành Y tế trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; đầu tư, cung cấp cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác phòng chống sốt rét của địa phương thì các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho bà con; tạo sinh kế để người dân phát triển kinh tế ngay tại địa phương mình mà không cần phụ thuộc vào việc đi rừng hoặc khai thác rừng.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành hướng dẫn bà con tiếp cận theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi, đầu tư phát triển vật nuôi, gia súc, gia cầm… nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Lúc đó, người đi rừng, đi rẫy sẽ giảm đồng nghĩa với việc tình trạng mắc sốt rét cũng sẽ giảm theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trực vẫn là “vùng rốn” của bệnh sốt rét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO