Quảng Khê, người dân còn lơ là phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Vũ Trang| 27/07/2015 16:53

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, tính từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện ghi nhận có 86 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở xã Quảng Khê với 81 trường hợp, chiếm 94% tổng số ca mắc.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, sau vài tuần tạm lắng, thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh SXH trên địa bàn xã lại tiếp tục gia tăng. Trung bình mỗi tuần, xã phát hiện thêm 5 - 7 trường hợp mắc bệnh mới.

Thực tế cho thấy, ngoài các nguyên nhân như biến động dân cư, yếu tố dịch tễ, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều thích hợp cho sự phát triển của các tác nhân truyền bệnh thì tâm lý chủ quan, lơ là của người dân cũng chính là yếu tố quan trọng làm cho bệnh SXH gia tăng trở lại.

Nhân viên y tế vận động người dân loại bỏ các vật dụng có chứa loăng quăng, bọ gậy

Ông K’Ngai, Trưởng Trạm y tế xã Quảng Khê cho biết: “Chính nếp sinh hoạt, thói quen và tâm lý của người dân đã tạo ra môi trường để muỗi, lăng quăng sinh sôi, nảy nở. Bên cạnh đó, tại nhiều địa bàn dân cư, người dân dường như không quan tâm đến các thông tin về bệnh cũng như công tác phòng, chống bệnh hiệu quả”.

Cũng theo ông K’Ngai thì từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 10 đợt tuyên truyền về bệnh SXH, 6 lần vệ sinh môi trường và diệt loăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, đến nay, việc hợp tác của người dân trong vấn đề vệ sinh môi trường vẫn rất hạn chế. Nhiều gia đình, khi cán bộ y tế đến tuyên truyền, hướng dẫn nhiều lần vẫn phát hiện thấy các vật dụng chứa nước có loăng quăng, bọ gậy.

ADQuảng cáo

Chị H’Mho, nhân viên y tế thôn 4, xã Quảng Khê chia sẻ: Thói quen của bà con rất khó thay đổi. Nhiều gia đình có con nhỏ nhưng ngủ không chịu mắc màn, tôi nhắc nhở mãi cũng chẳng ai thèm nghe. Thậm chí, một số gia đình có người thân mắc bệnh còn tự mua thuốc điều trị làm cho bệnh ngày càng nặng hơn và lây lan nhanh trong cộng đồng. Đến nay, thôn đã có đến 39 trường hợp mắc bệnh, chiếm gần 50% tổng số ca bệnh của xã.

Theo nhận định của ngành Y tế, trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, bệnh SXH sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Do đó, công tác phòng, chống bệnh đang được ngành y tế địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài các hình thức như phát thanh, treo băng rôn, cán bộ y tế cũng thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình để cấp phát tài liệu truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh. Công tác điều tra, giám sát véctơ truyền bệnh tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ bùng phát dịch cũng được tập trung đẩy mạnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bệnh. Công tác phun xịt hóa chất diệt muỗi cũng được chú trọng.

Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại xã Quảng Khê

Tuy nhiên, để phòng, chống bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là người dân cần phải kết hợp tốt với cán bộ y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh.

Đặc biệt, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với bệnh, khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Khê, người dân còn lơ là phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO