Quản lý chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh: Cần toàn diện và đồng bộ

Vũ Trang| 22/12/2016 10:33

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp đánh giá Chương trình hành động thực hiện Quản lý chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh năm 2017 vừa tổ chức vào chiều 19/12.

ADQuảng cáo

Đổi mới chất lượng khám, chữa bệnh phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất

Nguồn nhân lực thiếu và chưa đồng bộ

BVĐK tỉnh là bệnh viện hạng II, với quy mô 320 giường bệnh, gồm 23 khoa, phòng. Thời gian qua, BVĐK tỉnh đã có nhiều nỗ lực thay đổi nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong năm 2016, tổng số lượt khám, chữa bệnh tại bệnh viện gần 140.000 lượt.

Công suất sử dụng giường bệnh đạt trung bình 101%. Tổng số ca phẫu thuật là 3.249 ca, tăng 410 ca so với năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, hoạt động của bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác quản lý chất lượng khám, chữa bệnh.

Trao đổi tại cuộc họp, bác sĩ Trần Thanh Bình, Quyền Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất của bệnh viện chính là nguồn nhân lực. Cụ thể, nguồn nhân lực thiếu, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao ở một số khoa như: ngoại, nội, nhi... Cơ cấu nhân lực chưa hợp lý giữa các khu vực lâm sàng và cận lâm sàng; bộ phận cán bộ gián tiếp chiếm tỷ lệ cao. Hiện, bệnh viện có 393 cán bộ, công nhân, viên chức, trong đó khu vực lâm sàng 266 người, chiếm 67,68%, khu vực cận lâm sàng chỉ có 67 người, chiếm 17,04%.

Trong khi nguồn nhân lực còn thiếu thì việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về công tác lại rất khó khăn. Mặc dù tỉnh đã ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ cho cán bộ y tế có trình độ cao, nhưng đến nay, bệnh viện mới chỉ thu hút được 2 bác sĩ gồm: 1 bác sĩ chuyên khoa I gây mê hồi sức và 1 bác sĩ y học cổ truyền. Việc tuyển dụng bác sĩ và dược sĩ đại học về công tác tại bệnh viện vốn đã khó, nhưng việc “giữ chân” đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ ở lại công tác lâu dài lại càng khó hơn. Đến nay, bệnh viện đã có 11 bác sĩ có năng lực chuyên môn xin chuyển công tác.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu

ADQuảng cáo

BVĐK tỉnh được xây dựng từ năm 2006 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng đến nay, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng. Không chỉ khu vực khám, chữa bệnh mà hệ thống nhà vệ sinh, các hệ thống phụ trợ cho bệnh nhân đều hư hỏng. Đơn cử, bệnh viện có 5 thang máy phục vụ người bệnh thì chỉ còn 1 thang máy hoạt động, số còn lại đều bị hư hỏng. Bên cạnh đó, hệ thống khí oxy, khí sạch trung tâm, hệ thống máy lạnh trung tâm đều không vận hành được...

Hiện nay, bệnh viện có hơn 1.700 trang thiết bị y tế, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn thiếu nhiều về chủng loại, chưa kể nhiều trang thiết bị đã hư hỏng, lạc hậu. Đây cũng chính là một trong những rào cản làm cho bệnh viện khó thực hiện đầy đủ các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cũng như triển khai các dịch vụ  kỹ thuật chuyên môn. Cụ thể, đến nay, bệnh viện mới chỉ thực hiện được 8.665/14.374 dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế, chiếm khoảng 60,3%.

Theo bác sĩ Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, bệnh viện cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nhất là việc giao quỹ bảo hiểm y tế và trần tuyến II theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Bác sĩ Hồng cho biết: “Trần tuyến II áp dụng cho những bệnh viện đang phát triển thì rất bất cập. Sở dĩ như vậy là do tại các bệnh viện đang phát triển, việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới và chi phí khám, chữa bệnh năm sau đều cao hơn năm trước, không thể ổn định so với các bệnh viện đã hoạt động lâu năm”.

Phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị: Tập thể lãnh đạo, cán bộ BVĐK tỉnh phải tiếp tục đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao để vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cùng với việc kiện toàn công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự, bệnh viện phải tập trung đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện theo hình thức quản lý chất lượng toàn diện, đồng bộ. Trong đó, bệnh viện cần ưu tiên các tiêu chí trong giai đoạn hiện nay như: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân, nhất là đối với việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ y tế; thực hiện tốt chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực...

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng nhấn mạnh: “Đối với việc quản lý chất lượng khám, chữa bệnh, cái khó nhất là công tác quản trị bệnh viện, rồi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, trong đó có những cái tưởng chừng đơn giản, nhưng vẫn còn tồn tại ở bệnh viện đó là vấn đề nhà vệ sinh, rồi bảo vệ, bãi giữ xe... Đổi mới chất lượng khám, chữa bệnh phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”...

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương cũng đề nghị: “Việc quản lý chất lượng khám, chữa bệnh là vấn đề then chốt trong phát triển bệnh viện. Muốn làm tốt điều này, ngoài việc đổi mới tư duy và hành động, nghiên cứu học tập, đúc rút kinh nghiệm, điều quan trọng là tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức của bệnh viện phải có quyết tâm, nỗ lực cao, năng động, sáng tạo trong lộ trình phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh: Cần toàn diện và đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO