Quản lý chất lượng bệnh viện: Lấy người bệnh làm trung tâm

Vũ Trang| 17/05/2016 10:36

Đó là vấn đề được giới chuyên môn quan tâm, đưa ra phân tích, thảo luận tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” do Sở Y tế tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa mới đây.

ADQuảng cáo

Theo đó, mô hình quản lý chất lượng bệnh viện dựa trên 4 nguyên tắc: Mọi hoạt động khám, chữa bệnh tại bệnh viện đều phải lấy người bệnh làm trung tâm; Việc bảo đảm và cải tiến chất lượng phải là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, liên tục, ổn định; Quản lý chất lượng bệnh viện dựa trên cơ sở pháp luật, cơ sở khoa học với các bằng chứng cụ thể; Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm về chất lượng bệnh viện, tất cả các nhân viên y tế có trách nhiệm tham gia.

Tiếp đón, hướng dẫn người dân tận tình là một trong những hình thức cải thiện hình ảnh của bệnh viện. (Ảnh: Khu vực hướng dẫn bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thực hiện mô hình quản lý chất lượng bệnh viện, từ năm 2015, bệnh viện đã xây dựng thí điểm hệ thống quản lý bệnh án điện tử. Theo đó, bệnh viện đã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hệ thống mạng và phối hợp với công ty viễn thông đăng ký chữ ký số, chứng thư số cho khoảng 350 bác sĩ và 50 điều dưỡng... để vận hành hệ thống bệnh án điện tử. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Số giường bệnh thực kê nội trú của bệnh viện lên đến hơn 700 giường.

Việc triển khai mô hình bệnh án điện tử đã giúp hạn chế những sai sót của điều dưỡng trong việc thống kê số lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, xét nghiệm... Ngoài ra, bệnh án điện tử cũng giúp bệnh viện từng bước quản lý được sự tuân thủ các quy định, quy trình cũng như việc tuân thủ phác đồ điều trị.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Mô hình quản lý chất lượng bệnh viện dựa trên nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm. Xác định điều này, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh như thành lập phòng quản lý chất lượng; tổ chức bình bệnh án; bố trí khu chăm sóc khách hàng; đào tạo kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ y tế... Các hoạt động này đã thực sự mang lại thuận lợi của bệnh viện cũng như người dân khi tham gia khám, chữa bệnh.

Tương tự, nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng bệnh viện. Đơn cử như Bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai hiệu quả Quy trình “Báo động đỏ” giúp phản ứng nhanh, đã cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch. Bệnh viện còn xây dựng “Thư viện điện tử” tra cứu thông tin thuốc và sử dụng thông tin thuốc để khuyến cáo, cảnh báo kê toa. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai hiệu quả hệ thống vận chuyển thuốc tại khoa cấp cứu, quy trình chăm sóc bệnh nhân và mô hình phòng công tác xã hội.  

ADQuảng cáo

Tại tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều thay đổi, nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, từ năm 2014, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tiến nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... nên hoạt động này chưa mang lại hiệu quả tích cực.

Trao đổi tại hội thảo, bác sĩ Bùi Chí Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết: Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được một số cải tiến về quy trình  khám, chữa bệnh như đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động; bố trí nhân viên hướng dẫn; thiết kế mới hệ thống bảng biểu hướng dẫn; tổ chức họp hội đồng người bệnh, khảo sát sự hài lòng của người bệnh...

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị... là một trong những rào cản làm cho bệnh viện khó thực hiện đầy đủ các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thiếu và chưa được đào tạo về quản lý chất lượng nên ở một số nội dung như quản lý chất lượng, kiểm soát nhiễm nhuẩn, quản lý chất thải y tế, quản  lý chất lượng xét nghiệm... cán bộ đều phải kiêm nhiệm, hiệu quả không cao.

Tương tự, hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đều cho rằng, việc triển khai quản lý chất lượng bệnh viện là cần thiết. Thế nhưng, để làm được điều này, trước mắt, các bệnh viện cần phải giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho rằng: Việc quản lý chất lượng bệnh viện là vấn đề then chốt trong phát triển bệnh viện. Sau hội thảo, ngành Y tế tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét khả năng ứng dụng mô hình đối với một số bệnh viện đa khoa trên địa bàn.

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc triển khai các mô hình quản lý chất lượng bệnh viện là một trong những hoạt động cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh, giảm nguy cơ tai biến trong điều trị, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị...

Muốn làm tốt điều này, ngoài việc đổi mới tư duy và hành động, nghiên cứu học tập, đúc rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến xây dựng của các bệnh nhân và gia đình họ... thì điều quan trọng là tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức của các bệnh viện phải có quyết tâm, nỗ lực cao, năng động, sáng tạo trong lộ trình phát triển toàn diện của bệnh viện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất lượng bệnh viện: Lấy người bệnh làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO