Phòng, chống bệnh tay, chân, miệng ở Đắk R'lấp: Đề cao cảnh giác, khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là

Vũ Trang| 25/08/2014 10:51

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn toàn tỉnh đang có xu hướng tăng. Trong đó, huyện Đắk R’lấp là địa phương có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với 58 ca, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp thì từ sau thời gian cao điểm về bệnh tay-chân- miệng vào năm 2011, công tác phòng, chống bệnh đã được tăng cường nên bệnh đã tạm lắng xuống. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, do tâm lý chủ quan của người dân cũng như chính ngành y tế đã làm cho bệnh gia tăng trở lại. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều ghi nhận có bệnh nhân mắc bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp điều trị cho một ca mắc bệnh tay - chân - miệng

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh, địa phương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống bệnh. Trung tâm cũng chuẩn bị và cấp phát đầy đủ hóa chất, dụng cụ phòng, chống dịch cho các cơ sở y tế xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã cấp được 140 kg Cloramin B 25%, 200 găng tay, 500 khẩu trang, 80 chai rửa tay sát khuẩn…

Nhờ đó, đến thời điểm này, bệnh đã có dấu hiệu giảm đáng kể, trong 2 tuần trở lại đây, trên địa bàn huyện không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới nào. Theo y sĩ Hoàng Văn Tuấn, chuyên trách Chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm của huyện thì bệnh tay-chân-miệng có đặc tính là rất dễ lây, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, đây là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, nếu công tác phòng, chống không được thực hiện chủ động, kịp thời thì bệnh rất dễ bùng phát thành dịch. Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế cũng đã phối hợp ngành giáo dục tăng cường chỉ đạo các cơ sở trường học trên địa bàn, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non tích cực dọn vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới.

Theo bà Thị H’Nhó, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thì hiện nay, ngành y tế địa phương đang rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đề cao cảnh giác, khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là với các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh tay-chân-miệng. Công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng đang được duy trì thường xuyên để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.

Tại các địa bàn dân cư, đội ngũ chuyên trách cùng nhân viên y tế thôn, bon cũng tập trung giám sát tình hình mắc bệnh của người dân để kịp thời xử lý, không để bệnh lan rộng trong cộng đồng. Về phía người dân, ngành cũng khuyến cáo, hiện nay, bệnh tay-chân-miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa nên biện pháp hiệu quả nhất vẫn là làm tốt khâu vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Theo đó, các cơ sở trường học, gia đình cần quan tâm giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ bằng cách thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, làm sạch các vật dụng, đồ chơi, lau sàn nhà, các khu vực sinh hoạt của trẻ với các dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh như sốt, có bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, vùng gối và vết loét ở niêm mạc miệng…phụ huynh cần đưa nhanh đến các cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh lây cho trẻ khác cũng như lây lan trong cộng đồng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh tay, chân, miệng ở Đắk R'lấp: Đề cao cảnh giác, khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO