Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Mai Lương| 15/08/2016 15:23

Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn toàn tỉnh có chiều hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, tính đến ngày 7/8, toàn tỉnh ghi nhận có 1.398 trường hợp mắc bệnh SXH tại 61/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có bệnh nhân mắc SXH cao là thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’lấp và Đắk Mil. Điều đáng nói, trong khi bệnh ngày càng gia tăng thì công tác phòng, chống bệnh vẫn chưa thực sự hiệu quả. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Qua ghi nhận thực tế tại một số địa bàn dân cư, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều gia đình vẫn có thói quen trữ nước sinh hoạt trong những dụng cụ không có nắp đậy. Đặc biệt, nhiều dụng cụ phế thải xung quanh vườn, nhà không được xử lý, đọng nước mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển.

Điển hình, trên đường Quang Trung, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), mặc dù là khu đông dân cư, nhưng rất nhiều bụi rậm mọc ven đường hoặc xen kẽ nhà dân không được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Một số cơ sở sửa chữa xe ô tô bỏ rất nhiều lốp xe ra ven đường. Chỉ cần một cơn mưa, những lốp xe này đã chứa đầy nước và qua quan sát thì có rất nhiều loăng quăng.

Anh Nguyễn Quang Trung, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế thị xã) cho biết: “Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý, nhắc nhở các cơ sở này nhưng họ vẫn không hợp tác, không chấp hành các biện pháp xử lý. Đây là một trong những khó khăn đối với công tác phòng, chống bệnh tại địa phương”.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì đối với công tác phòng, chống bệnh SXH, các hoạt động diệt loăng quăng, trừ muỗi dựa vào cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng tại một số địa phương, hoạt động này tỏ ra kém hiệu quả. Người dân vẫn chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, chưa chủ động phòng chống mà chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành Y tế. Bên cạnh đó, không chỉ người dân mà ngay chính quyền một số địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo.

Tại cuộc họp bàn các biện pháp phòng, chống bệnh SXH do UBND tỉnh tổ chức mới đây, bác sĩ Thành chia sẻ: “Các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống SXH được ban hành từ tỉnh, huyện đến tận các thôn, bon, nhưng nhiều nơi chỉ để trên bàn. Ngay đối với thị xã Gia Nghĩa là địa bàn có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, Trung tâm đã xuống 4 phường và làm việc trực tiếp với các lãnh đạo các phường. Tất cả đều đồng ý sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với ngành Y tế phòng, chống bệnh, nhưng nói rồi bỏ đó, ngày mai xuống lại thì mọi việc cũng bằng không, đâu lại hoàn đấy”.  

Ngoài ra, qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, một khó khăn khác trong công tác phòng chống bệnh SXH đó là vấn đề kinh phí. Do kinh phí ít và chậm nên các hoạt động phòng, chống bệnh từ truyền thông, giáo dục sức khỏe đến giám sát, kiểm tra gần như chỉ được thực hiện cầm chừng. Về phía ngành Y tế, việc triển khai các hoạt động cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả, nhất là trong việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi.

Theo nhận định của ngành Y tế, trong điều kiện thời tiết đang bước vào mùa mưa, cộng với sự lưu hành thường xuyên của véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti và sự lưu hành của 4 tuýp vi rút trên địa bàn thì bệnh SXH có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với tỷ lệ mắc bệnh gia tăng. Đặc biệt, nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng và bùng phát thành dịch là rất lớn. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh phải được thực hiện toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Với thực tế bệnh SXH đang tăng cao, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh. Điều quan trọng nhất là cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao kiến thức về bệnh và cách phòng, chống bệnh hiệu quả. Về phía ngành Y tế, cùng với chủ động sẵn sàng nguồn hóa chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch thì cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ bệnh, phấn đấu khống chế và đẩy lùi bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đắk R’lấp có 278 ca mắc bệnh sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 278 ca sốt xuất huyết, tăng 274 ca so với năm 2015. Toàn huyện đã ghi nhận 17 ổ dịch nhỏ; số ca sốt xuất huyết ghi nhận tại 11/11 xã, thị trấn.

 Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai 2 đợt phun hóa chất xử lý ổ dịch trên diện rộng với diện tích 1.920 ha và 5.434 nhà được phun hóa chất diệt muỗi; tổ chức tẩm màn cho các hộ dân trên các xã, thị trấn, trong đó tập trung vào địa bàn các thôn, bon có ổ dịch sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, UBND huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành. Trong đó chú trọng công tác truyền thông để nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.

Đối với ngành Y tế giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp bệnh truyền nhiễm, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Mai Lương

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO