Phòng, chống bệnh sốt rét trong mùa mưa: Không nên lơ là, chủ quan

Vũ Trang| 17/04/2014 10:07

Thời gian qua, với nhiều giải pháp chủ động, tích cực của ngành Y tế cũng như các địa phương, công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế thì người dân không nên vì thế mà lơ là, chủ quan.

ADQuảng cáo

Theo đó, hàng năm, ngoài việc chú trọng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, ngành Y tế còn triển khai khá nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc giám sát bệnh tại các địa bàn dân cư được thực hiện thường xuyên.

Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong triển khai chiến dịch tẩm màn tại xã Quảng Khê

Đặc biệt, vào thời điểm trước, trong và sau tết, trước tình hình dân di cư tự do biến động, diễn biến phức tạp, thường sống ở những vùng có bệnh sốt rét lưu hành nặng, khó tiếp cận, nên ngành Y tế các địa phương luôn huy động đội ngũ cộng tác viên thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi tình hình dịch, bệnh nhằm phát hiện và điều trị kịp thời ngay từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên.

Bên cạnh đó, các hoạt động tẩm màn, phun hóa chất, xét nghiệm lam máu tìm ký sinh trùng cũng được thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm ngàn dân được bảo vệ thông qua việc tẩm màn, phun hóa chất.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngành đã tiến hành cấp phát gần 20.000 chiếc màn chống muỗi tại 6 huyện; phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có bệnh sốt rét lưu hành, với trên 196.000 người dân được bảo vệ.

Thực tế cho thấy, với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, tình hình mắc bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây, tình hình sốt rét của tỉnh được đánh giá là nặng nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với 100% số xã trong tỉnh và hơn 80% dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng thì đến nay, dịch bệnh đã tương đối ổn định, số ca mắc đã giảm hơn 80%. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có 100 trường hợp mắc sốt rét, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế thì mùa mưa đang đến gần là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt rét có thể gia tăng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Điều đáng lưu ý là do việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng và chủng loại của một bộ phận người dân đã dẫn đến nguy cơ xuất hiện và lan rộng tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.

Vì vậy, các cơ sở y tế, người dân không nên lơ là, chủ quan, mà phải luôn nâng cao ý thức phòng, chống bệnh hiệu quả. Hiện nay, do chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt rét, nên việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Đối với các địa bàn có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như: ngủ màn, mặc quần dài, áo tay dài khi đi rừng, làm nương rẫy; dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, san lấp ao tù, vũng nước, khơi thông dòng chảy… để diệt loăng quăng.

Những trường hợp có dấu hiệu sốt cao, rét run từng cơn, vã mồ hôi, ớn lạnh phải đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.

Cán bộ y tế huyện Đắk Mil phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có sốt rét lưu hành

Bên cạnh đó, để ngăn chặn, hạn chế và tiến tới đẩy lùi bệnh sốt rét, về phía ngành Y tế cũng vẫn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường giám sát ca bệnh, thực hiện hiệu quả chiến dịch phòng, chống véc tơ; trong đó chú trọng vùng được chỉ định phun, tẩm và độ bao phủ của hóa chất phòng, chống sốt rét.

Đồng thời, công tác truyền thông cũng được tiếp tục đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh sốt rét, nhất là các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người dân sống dọc các biên giới. Bên cạnh đó, các đợt điều tra dịch tễ sốt rét tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ sốt rét bùng phát cũng thường xuyên được tổ chức nhằm hạn chế sự gia tăng của bệnh và không để xảy ra dịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh sốt rét trong mùa mưa: Không nên lơ là, chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO