Phòng chống bệnh lao tại cộng đồng: Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng

Vũ Trang| 14/01/2016 10:29

Thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh lao được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như truyền thông lưu động, treo băng rôn, áp phích, nói chuyện chuyên đề, cấp phát tài liệu tuyên truyền...

ADQuảng cáo

Công tác giám sát tình hình bệnh lao cũng được tăng cường, bảo đảm các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống lao trong từng quý, từng năm.

Cụ thể, trong năm 2015, ngành Y tế đã tổ chức giám sát được 75 lượt từ huyện đến các xã, phường và nhà bệnh nhân; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho cán bộ chuyên trách ở các địa phương. Các hoạt động khám sàng lọc tại cộng đồng cũng được chú trọng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã có hơn 4.276 người được khám sàng lọc bệnh lao.

Diễu hành cổ động, tuyên truyền phòng chống bệnh lao tại cộng đồng

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay, công tác phòng, chống lao trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nguồn lây nhiễm bệnh lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Theo thống kê, mỗi năm, toàn tỉnh thu nhận khoảng 300 bệnh nhân lao; trong đó, số bệnh nhân lao phổi mới (AFB (+)) chiếm khoảng 57%.

Điều đáng nói, số lượng bệnh nhân lao thống kê được chỉ chiếm khoảng 50-70% số lượng người mắc bệnh trong thực tế. Sở dĩ có tình trạng này là do sự hiểu biết của người dân về bệnh còn hạn chế, cộng với tâm lý e ngại, sợ kỳ thị nên nhiều bệnh nhân không dám đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác xác định nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

Cũng xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ về bệnh lao nên không ít bệnh nhân đã tự ý bỏ điều trị giữa chừng hoặc điều trị không đúng phác đồ về thời gian hoặc liều lượng dẫn đến bệnh ngày càng trầm trọng. Đây là nguyên nhân chính làm xuất hiện các vi khuẩn lao đa kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng của bệnh nhân nhiễm HIV thì số lượng người đồng nhiễm HIV - Lao cũng ngày càng nhiều.

Theo điều tra dịch tễ, khoảng 30% bệnh nhân nhiễm HIV hiện nay có nguy cơ cao đồng nhiễm lao. Đặc biệt, vi khuẩn lao đồng nhiễm HIV cũng dễ trở thành lao kháng thuốc. Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết, công tác phòng, chống bệnh lao tại một số địa phương hiện nay còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sự phối hợp giữa các đơn vị y tế...

Theo Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh thì Trung tâm vẫn đang tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống lao. Trước mắt, Trung tâm ưu tiên thực hiện các giải pháp như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; mua sắm trang thiết bị y tế; giám sát bệnh tại cộng đồng; duy trì, mở rộng chương trình hóa điều trị ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS)...

Vấn đề Lao đồng nhiễm HIV và lao kháng thuốc cũng tiếp tục được quan tâm và xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Ngoài ra, công tác phòng, chống bệnh lao cũng được kết hợp chặt chẽ với các chương trình y tế khác như phòng, chống hút thuốc lá, HIV/AIDS, cải thiện môi trường sống...

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu khống chế và tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030,  bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế còn rất cần sự phối hợp của toàn xã hội. Đặc biệt, công tác truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng, được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân chủ động hơn trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh tại cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống bệnh lao tại cộng đồng: Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO