Ngành Y tế tăng cường phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết

Vũ Trang| 06/04/2016 10:05

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 5/4, Việt Nam đã phát hiện có hai trường hợp nhiễm virus Zika. Cùng với các địa phương trong cả nước, ngành Y tế Đắk Nông cũng đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống bệnh do vi rút  Zika và sốt xuất huyết

Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm do virus Zika được ngành triển khai song song với việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) vì hai loại bệnh này đều có tác nhân gây bệnh là loài muỗi Aedes. Trong đó, Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã tăng cường các giải pháp từ thông tin, truyền thông đến giám sát, phát hiện bệnh.

Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tư vấn cho người dân về các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus Zika và SXH; nói chuyện chuyên đề với giáo viên, học sinh tại các nhà trường; kết hợp tuyên truyền lưu động, truyền thông trên hệ thống thông tin đại chúng, cấp phát băng đĩa, tờ rơi, treo pano, áp phích... Đặc biệt, ngành chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”.

Qua chiến dịch, người dân sẽ được hướng dẫn cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước như: Đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, lau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở quanh nhà, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày để phòng muỗi đốt...

Qua thực tế tại huyện Đắk Glong cho thấy, trong năm 2015, trên địa bàn huyện xuất hiện một ổ dịch SXH tại xã Quảng Khê với hơn 104 ca mắc. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2016, công tác phòng, chống bệnh SXH luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Và hiện nay huyện lồng ghép với phòng, chống bệnh do virus Zika gây ra.

ADQuảng cáo

Cụ thể, ngoài việc tăng cường tập huấn kiến thức phòng, chống bệnh cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bon, bản, Trung tâm Y tế huyện còn tuyên truyền huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên, hội viên hội phụ nữ, nông dân… tham gia xử lý các ổ bọ gậy, thu gom và xử lý rác thải tại các địa bàn dân cư.

Việc giám sát tình hình dịch, bệnh được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh từ các ổ dịch cũ. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn hóa chất, thuốc men để bảo đảm cung cấp đủ cho trạm y tế xã và các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Còn tại huyện Đắk R’lấp, mặc dù trong năm 2015, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tương đối ổn định, nhưng việc giám sát, phòng chống bệnh vẫn được huyện chú trọng ngay từ đầu năm. Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục duy trì hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng. Nhất là chú trọng việc hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh SXH và bệnh do virus Zika. Các hoạt động giám sát chỉ số côn trùng, chỉ số bệnh nhân tại các địa bàn dân cư, xử lý môi trường, phun hóa chất chủ động ở những vùng trọng điểm… cũng đang được ngành tích cực triển khai.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh do virus  Zika và SXH là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi. Đối với bệnh do virus Zika, biến chứng lớn nhất là có thể gây teo đầu trẻ sơ sinh. Còn bệnh SXH có thể dẫn đến một số biến chứng nặng như: tình trạng xuất huyết nặng ở phủ tạng, phù não cấp, suy tim và rối loạn tuần hoàn, suy thận…có thể dẫn đến tử vong. Tuy mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau nhưng hai căn bệnh này có những biểu hiện lâm sàng khá giống nhau.

Hiện nay, cả hai căn bệnh đều chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động phối hợp tốt với ngành Y tế trong công tác phòng, chống bệnh. Khi người dân có các triệu chứng nghi ngờ mắc virus Zika như: sốt nhẹ 37,8 - 38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược; một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa... thì nên đến các sơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để khám và theo dõi.

Virus Zika  bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn đến khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y tế tăng cường phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO