Nếu người dân không hợp tác, không nâng cao ý thức phòng, chống, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục kéo dài

Phan Tân thực hiện| 09/08/2019 09:54

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch.

ADQuảng cáo

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế

PV: Xin ông cho biết tình hình SXH trên địa bàn tỉnh?

Ông Hà Văn Hùng: Tính đến ngày 4/8, toàn tỉnh ghi nhận 2.895 trường hợp mắc SXH (chưa có trường hợp tử vong) tăng khoảng 18,71 lần (2.756 ca) so với cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh ghi nhận 89 ổ dịch ở tại 26 xã, tăng 83 ổ dịch và 20 xã so với năm 2018.

Tình trạng mắc SXH trải đều toàn tỉnh như huyện Đắk Glong 632 ca, huyện Cư Jút 485 ca, huyện Đắk R’lấp 442 ca, huyện Krông Nô 359 ca, huyện Đắk Mil 265 ca, huyện Đắk Song 249 ca, huyện Tuy Đức 174 ca và thị xã Gia Nghĩa 289 ca.

Tại các huyện, thị xã, bệnh SXH chủ yếu tập trung ở các thị trấn, thị tứ, khu trung tâm. Số mắc SXH ghi nhận rải rác, liên tục từ tuần 1 đến tuần 8 và bắt đầu gia tăng nhẹ từ tuần 9, với 20-25 ca/tuần, chủ yếu tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức; sang tuần thứ 18 thì tăng 40 ca/ tuần và bắt đầu di chuyển sang huyện Đắk Glong. Đến tuần thứ 20, lúc này thời tiết vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển nên bệnh gia tăng mạnh hơn và xuất hiện rải khắp các huyện, thị xã của tỉnh.

Đỉnh điểm là  tuần 29 với 380 ca/tuần. Bắt đầu từ tuần 30 đến nay số ca SXH nhìn chung đang có xu hướng giảm. Số ca SXH tăng trước hết là do hiện nay tỉnh Đắk Nông đang nằm trong chu kỳ dịch tễ của bệnh SXH. Mặt khác, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên một số nơi công tác xử lý ổ dịch chậm, muộn cũng góp phần gia tăng tỷ lệ mắc SXH và lan rộng trong cộng đồng.

Trước đây chu kỳ là 5 năm nhưng gần đây chu kỳ ngắn hơn như ở Đắk Nông hiện nay chu kỳ là 3 năm. Chu kỳ ngắn lại là do thời tiết thay đổi, nền nhiệt cao, nên muỗi vằn phát triển quanh năm. Trước đây, bệnh SXH chỉ xuất hiện vào mùa mưa thì hiện nay rải rác quanh năm. Tuy nhiên, so với khu Tây Nguyên, Đắk Nông vẫn có số mắc thấp nhất và không có tử vong.

PV: Công tác phòng, chống dịch SXH được ngành Y tế triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Văn Hùng: Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh và chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, tăng cường vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi. Đặc biệt, vào ngày 29/7, sau khi có Chỉ thị 07 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu  tỉnh ban hành chỉ thị về phòng, chống SXH.

Về chuyên môn, ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về bệnh SXH, cách phòng, chống như: vệ sinh môi trường loại bỏ các dụng cụ chứa nước để loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi vằn, lăng quăng, ngủ màn, khám và chẩn đoán sớm bệnh…bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, hệ thống truyền thanh, truyền hình, nói chuyện tại cộng đồng…

ADQuảng cáo

Đến nay, ngành Y tế cũng đã triển khai 74 đợt (2 lần/đợt) vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng và phun hóa chất tại 86 ổ dịch ở 26 xã trên địa bàn các huyện, thị xã. 350 người là cộng tác viên, cán bộ thôn, đoàn thể được huy động tham gia truyền thông trực tiếp về bệnh SXH cho khoảng 37.973 hộ gia đình...Qua đó, các địa phương đã xử lý 1.919 ổ bọ gậy, lăng quăng, giám sát 5.420 dụng cụ cá nhân các loại, phun hóa chất diệt muỗi cho khảng 10.000 nhà, ước khoảng 450 ha bao gồm diện tích trong và ngoài nhà.

Ngành cũng duy trì thường xuyên việc giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ truyền bệnh. Việc giám sát yếu tố nguy cơ được thực hiện hàng tuần, tháng và hàng ngày ở các cơ sở điều trị (giám sát ca bệnh) và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các ca mắc, điều trị kịp thời. Nhiệm vụ phân tích, dự báo sự phát triển của bệnh truyền nhiễm tại vùng có ổ dịch cũ, vùng xuất hiện ổ dịch nhỏ để triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế thích hợp và kịp thời. Cũng với tăng cường tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, ngành cũng đã tăng cường thu dung điều trị bệnh nhân…nên hạn chế được sự bùng phát mạnh của dịch bệnh và nằm trong sự kiểm soát. Qua ghi nhận, hiện nay đã có 42 ổ dịch đã ngưng hoạt động, còn lại 47 ổ dịch đang hoạt động.

PV: Khó khăn nhất hiện nay trong phòng, chống dịch SXH là gì, thưa ông?

Ông Hà Văn Hùng: Khó khăn nhất hiện nay trong phòng, chống dịch SXH đó là rất nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức, nhất là không tự diệt bọ gậy, lăng quăng, không loại bỏ các vật dụng chứa nước, không nằm màn, không xua muỗi. Thậm chí, nhiều trường hợp người dân, hộ kinh doanh thiếu ý thức, không hợp tác với nhân viên y tế trong diệt bọ gậy, ngăn cản việc phun hóa chất diệt muỗi vào nhà, xung quanh nhà…

Trong khi đó, việc diệt bọ gậy, lăng quăng là biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất để hạn chế dịch bệnh SXH. Nếu người dân không hợp tác, nâng cao ý thức phòng, chống thì dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục kéo dài. Bởi việc phun thuốc, hóa chất diệt muỗi chỉ là giải pháp cấp bách, tình thế, nếu vẫn có môi trường cho lăng quăng, bọ gậy phát triển thì dịch bệnh sẽ không thể đẩy lùi được.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức nên chưa có sự huy động các nguồn lực xã hội cũng như người dân trong tham gia phòng, chống dịch. Việc dập dịch ở một số nơi đang được “khoán trắng” cho ngành Y tế nên hiệu quả chưa cao. Đối với ngành Y tế, một số nơi việc tham mưu cho địa phương trong phòng, chống dịch cũng chưa quyết liệt, khi gặp khó khăn, vướng mắc thì không kịp thời tháo gỡ, dẫn tới xử lý chậm…

PV: Vậy sắp tới ngành Y tế sẽ tiếp tục có giải pháp gì để phòng, chống, tránh bùng phát dịch SXH?

Ông Hà Văn Hùng: Cùng với tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, ngành Y tế rút kinh nghiệm và làm quyết liệt hơn, tốt hơn, chất lượng hơn các biện pháp đã và đang triển khai hiện nay. Trong đó, công tác trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi…

Cụ thể, ngành tập trung tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động người dân diệt bọ gậy, lăng quăng, nhất là ở những nơi có dịch, cho đến khi nào môi trường không còn bọ gậy, lăng quăng. Thậm chí, ngành tham mưu, đề xuất chính quyền các cấp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ đối với những hộ dân, nhất là hộ kinh doanh không thực hiện tốt hoặc không chấp hành vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng. Về phía cơ quan báo chí cũng nên thông tin rộng rãi việc xử phạt để nâng cao ý thức và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu người dân không hợp tác, không nâng cao ý thức phòng, chống, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO