Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Thay đổi mô hình hoạt động là cần thiết và phù hợp

Vũ Trang| 20/02/2017 14:42

Được xem là tuyến “xương sống” của hệ thống y tế nhưng đến nay, hoạt động của nhiều trạm y tế xã, phường thị trấn trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, bất cập chưa được giải quyết. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

ADQuảng cáo

Cơ sở vật chất xuống cấp

Được xây dựng từ trước năm 1990, sau hơn 27 năm hoạt động, đến nay cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Nam Dong (Chư Jút) đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị bong tróc, rêu bám không bảo  đảm an toàn, vệ sinh. Các phòng chức năng diện tích nhỏ, cũ kỹ, khi nắng thì nóng bức, mùa mưa thì bị ẩm thấp, mái dột nên rất vất vả cho cả người bệnh và nhân viên y tế trong khám, chữa bệnh.

Điều dưỡng Mai Kim Anh, chuyên trách chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết: “Chỉ cần một trận mưa là nhà bị dột. Nhân viên trong trạm phải mang chậu ra hứng. Mưa tạnh, mọi người lại dọn, rửa phòng, sắp xếp lại đồ đạc. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động khám, chữa bệnh”.

Trạm y tế xã Nam Dong (Chư Jút) xuống cấp nghiêm trọng.

Không riêng hoạt động khám, chữa bệnh, một số chương trình y tế dự phòng khác tổ chức tại trạm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như hoạt động tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, phòng tiêm chủng của trạm không bảo đảm theo đúng quy trình của Bộ Y tế nên mỗi tháng, đến lịch tiêm chủng cho trẻ, trạm phải sắp xếp phòng hành chính để làm nơi tiêm chủng cho trẻ. Phòng lưu bệnh nhân được sử dụng để theo dõi trẻ sau tiêm. Những phụ huynh và trẻ chưa tới lượt tiêm thì phải ngồi chờ ngoài cửa, ngoài sân... Ngày nắng thì không sao chứ gặp ngày mưa thì rất vất vả. Không những phòng ốc không bảo đảm mà trang thiết bị y tế cũng thiếu.

Bác sĩ Nông Văn Cường, Trưởng Trạm y tế xã chia sẻ: Hiện nay trạm đã có 2 bác sĩ phụ trách khám, chữa bệnh với lượng bệnh nhân mỗi ngày khoảng 70-80 người nhưng trang thiết bị thì rất thiếu, trong đó có 1 máy siêu âm nhưng cũng hư hỏng từ lâu. Do đó, trạm chỉ thực hiện việc khám, điều trị các bệnh thông thường. Đối với các ca bệnh nặng, trạm thiếu trang thiết bị nên phải chuyển lên tuyến trên”.

Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, hoạt động chuyên môn của một số trạm y tế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm.

Chị Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp) cho biết: “Do điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, không bảo đảm nên một số trạm y tế ở các địa bàn như Quảng Tín, Kiến Thành, Kiến Đức... không thể thực hiện được kỹ thuật đỡ đẻ tại trạm. Trong khi đó, nguồn nhân lực cũng như trình độ cán bộ y tế hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trạm y tế khác trên địa bàn. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 29 trạm y tế xuống cấp chưa được xây dựng. Hầu hết những trạm y tế này đều được xây dựng từ trước năm 1990 theo thiết kế một cửa, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp và không còn phù hợp.

ADQuảng cáo

Khó nâng cao trình độ chuyên môn

Cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... thì điều kiện để các y, bác sĩ tuyến y tế cấp xã nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng gặp không ít khó khăn, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao.

Một số các y, bác sĩ chia sẻ rằng, khi công tác tại các trạm y tế cấp xã điều kiện học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu sâu về chuyên môn của y, bác sĩ rất khó khăn do khối lượng công việc rất nhiều. Trung bình, mỗi cán bộ y tế thường phải phụ trách khoảng 3-5 chương trình y tế khác nhau, chưa kể các việc liên quan đến hành chính, viết báo cáo, làm sổ sách giấy tờ... Trong khi đó, điều kiện để cọ xát, tiếp cận nâng cao trình độ chuyên môn rất ít, bởi bệnh nhân đến khám tại trạm chủ yếu là các bệnh thông thường. Những trường hợp bệnh nặng thì hầu hết các trạm lại thiếu máy móc, thiết bị trong việc chẩn đoán, điều trị...

Với những khó khăn, hạn chế trên, việc thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế cấp xã đang trở thành bài toán khó đối với ngành Y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên, nhất là khi ngành Y tế triển khai việc thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Theo thống kê, trong năm 2016, tổng số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện là 480.031 lượt, tăng hơn 130.000 lượt so với cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh đạt trung bình 92,3%, tăng 12,3% so với năm 2015.

Cần những giải pháp đồng bộ

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp... Điều này, đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng.

Xác định điều đó, ngành Y tế đã và đang nỗ lực tập trung các nguồn lực để đầu tư, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở. Bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp cho biết: “Việc tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực khám và điều trị của các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là các trạm y tế cấp xã là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân”.

Còn theo bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế thì hiện nay, ngành đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các dự án, tổ chức, doanh nghiệp... để xây mới các trạm y tế đã xuống cấp. Trong đó, Dự án Chăm sóc sức khỏe Tây Nguyên hỗ trợ xây dựng 10 trạm và giai đoạn tiếp theo sẽ cố gắng xây thêm 7 trạm. Theo đó, việc bổ sung trang thiết bị y tế cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục được chú trọng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm 71/71 trạm y tế trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Một giải pháp cũng đang được ngành Y tế nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai là mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám gia đình tại các trạm y tế  cấp xã. Đây được xem là xu hướng phù hợp và cần thiết giúp tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Thay đổi mô hình hoạt động là cần thiết và phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO