Lạm dụng thuốc kháng sinh: “Con dao hai lưỡi”

Vũ Trang| 25/01/2018 09:30

Thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến, để lại không ít hậu quả xấu cho người bệnh và cộng đồng.

ADQuảng cáo

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh dược tại các quầy thuốc trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa

“Vô tư” sử dụng

Lâu nay, mỗi khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ho, sốt..., chị Trần Thị Hải ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại tìm đến các quầy thuốc tây để mua thuốc tự điều trị, bỏ qua khâu khám, chẩn đoán bệnh. Có những đợt bệnh khỏi trong vài ngày, nhưng có những đợt kéo dài đến cả tháng. Không những vậy, chị Hải còn thường xuyên mua thuốc để tự chữa bệnh ho, chảy mũi... cho các con nhỏ.

Chị Hải cho biết: “Chỉ cần nói một số triệu chứng của bệnh là nhân viên quầy thuốc sẽ bán thuốc. Nói thật, tôi cũng không biết có phải là thuốc kháng sinh hay không, nếu uống thấy khỏi bệnh thì thôi còn không khỏi lại ra mua liều nặng hơn”.

Thực tế, không riêng chị Hải mà hiện nay, tình trạng người dân tự ý mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh để điều trị bệnh khá phổ biến. Nhiều trường hợp mua thuốc theo tư vấn của người bán thuốc nên lúc mua loại này, lúc mua loại khác. Từ việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện của người dân đã tạo điều kiện cho các dược sĩ bán thuốc mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, một số dược sĩ còn tự kê đơn cho người bệnh.

Theo thống kê tại sổ ghi chép của Nhà thuốc H.Đ trên đường Hùng Vương (Gia Nghĩa), mỗi ngày có từ 25-30 lượt khách mua thuốc kháng sinh; trong đó chỉ có 2-5 lượt là mua theo đơn do bác sĩ chỉ định. Vẫn biết bán thuốc thuộc diện kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ là sai quy định, song hầu hết các nhà thuốc vẫn vi phạm và trở thành thói quen hàng ngày bởi phải cạnh tranh, muốn làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hầu hết khách hàng đến mua thuốc đều không có đơn, nếu không vi phạm quy định, các cơ sở bán thuốc khó có thể tồn tại được.

Theo một số bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc lạm dụng kháng sinh như “con dao hai lưỡi”. Bởi vì, nếu không có sự chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc không đúng, không đủ liều và không đủ thời gian sẽ tạo điều kiện để các loại vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, nhiều trường hợp cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị cho con làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ.

Cần nâng cao ý thức sử dụng, mua, bán thuốc kháng sinh đối với cả thầy thuốc, cán bộ y tế, người bán thuốc và bệnh nhân. Ảnh tư liệu

Khó kiểm soát, quản lý

ADQuảng cáo

Mặc dù việc sử dụng, kinh doanh thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến và tùy tiện, song công tác kiểm soát, quản lý tình trạng này vẫn đang là vấn đề khó. Theo Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có khoảng 40 nhà thuốc, 217 quầy thuốc và 375 đại lý thuốc có đăng ký hành nghề dược. Trong thực tế, số lượng cơ sở kinh doanh thuốc còn cao hơn nhiều, nhất là ở tuyến xã, phường. Trung bình mỗi xã, phường có khoảng 5 đại lý kinh doanh thuốc. Số lượng cơ sở hành nghề dược nhiều, trong khi lực lượng cán bộ thanh, kiểm tra của ngành còn mỏng nên việc kiểm soát hoạt động của từng cơ sở rất khó.

Một khó khăn khác trong công tác quản lý là quy định về việc ghi chép của cơ sở bán thuốc. Theo quy định, các nhà thuốc đạt chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP) thì yêu cầu phải có sổ theo dõi, ghi chép bán hàng. Ngược lại, đối với các nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP thì chưa yêu cầu có sổ theo dõi bán hàng. Vì vậy, trong quá trình thanh, kiểm tra, ngành không đủ cơ sở để đánh giá quá trình kinh doanh.

Thông thường, các đợt thanh, kiểm tra định kỳ chủ yếu giải quyết các vấn đề cơ bản về chấp hành các thủ tục hành chính, nguồn gốc, chất lượng thuốc, chưa đánh giá được vấn đề bán thuốc theo đơn. Việc chấp hành nghiêm các quy định mua, bán thuốc chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ cơ sở và sự hiểu biết của người tiêu dùng.

Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ chỉ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, góp phần giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, lạm dụng và sử dụng thuốc không hợp lý.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Để hạn chế tình trạng lạm dụng cũng như sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, điều quan trọng nhất là phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, đồng thời phải có các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu việc sử dụng kháng sinh thế nào cho đúng và không được lạm dụng”.

Cũng theo bác sĩ Hồng, hiện tại, bệnh viện đang tăng cường quản lý công tác dược nói chung, vấn đề kháng thuốc kháng sinh nói riêng. Bệnh viện cũng thường xuyên củng cố hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị. Việc kê đơn, sử dụng thuốc cũng được kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm phát hiện sớm các trường hợp bác sĩ lạm dụng thuốc trong điều trị bệnh... Tương tự, tại hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, việc quản lý, giám sát công tác dược, vấn đề kê đơn, sử dụng thuốc của bác sĩ cũng đang được tăng cường.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, các bác sĩ khi khám, chữa bệnh, nếu thấy chưa cần thiết thì chưa sử dụng kháng sinh hoặc hạn chế sử dụng kháng sinh đến mức tối đa. Về phía người dân, việc sử dụng kháng sinh phải được bác sĩ kê đơn và cần áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả để không bị nhiễm khuẩn nhằm giảm thấp nhất việc sử dụng kháng sinh.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng thuốc kháng sinh: “Con dao hai lưỡi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO