Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử: Công cụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục

Vũ Trang| 12/03/2019 12:29

Từ năm 2018, ngành Y tế đã bắt đầu triển khai phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân điện tử.

ADQuảng cáo

Theo đó, mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử để biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân một cách liên tục, suốt đời.

Hồ sơ sức khỏe điện tử tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: Người dân đăng ký khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R'lấp

Theo Đề án “Phát triển y tế thông minh” của Bộ Y tế, đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra là hoàn thiện việc thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho mỗi công dân với một mã ID. Việc thiết lập hệ thống quản lý hồ sơ này nhằm mục đích tổ chức thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, bảo đảm mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe với đầy đủ thông tin cần thiết và các chỉ số theo dõi sức khỏe. Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử gồm 2 nhóm thông tin chính: Nhóm thông tin định danh như tên tuổi, giới tính, địa chỉ, mã định danh, nhóm máu...; Nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe, như các dị tật bẩm sinh, các yếu tố nguy cơ, hoạt động thể lực, yếu tố bệnh nghề nghiệp, tiền sử bệnh liên quan với những người thân trong gia đình và những thông tin về sức khỏe sinh sản...

ADQuảng cáo

Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe sẽ giúp theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân cũng như những người phụ thuộc bao gồm: Tiền sử bệnh tật, dị ứng, tiêm chủng, các chỉ số như chiều cao, cân nặng, huyết áp… Khi có hồ sơ điện tử, người bệnh cung cấp cho nhân viên y tế các thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt chi phí, góp phần quản lý, hạn chế gian lận, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh.

Về phía ngành Y tế Đắk Nông, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành nắm rõ thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh như: Mô hình bệnh, phân bố dân cư, cơ cấu dân số… từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, Đắk Nông là địa phương có lượng di dân phức tạp, không ổn định nên việc quản lý dịch bệnh cũng như phòng bệnh chủ động rất khó. Vì vậy, khi mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử thì việc quản lý, phòng ngừa bệnh tật trở nên đơn giản và chủ động hơn rất nhiều.

Theo Sở Y tế, từ năm 2018, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai cài đặt, tập huấn sử dụng phần mềm cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2018, 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý sức khỏe người dân… Phần mềm sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nên không gây phiền hà cho người dân. Ngoài ra, trong năm 2018, Sở Y tế cũng ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng đại diện Công ty Novo Nordisk Pharma Operations A/S Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) để triển khai các hoạt động khám sàng lọc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp tại cộng đồng. Kết quả khám sàng lọc cũng được cập nhật vào phần mềm quản lý sức khỏe người dân tại các trạm y tế. 

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp về y tế gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm theo dõi, hỗ trợ tích cực cho cơ sở y tế đã và đang triển khai phần mềm, kịp thời khắc phục những sự cố, vướng mắc xảy ra, bảo đảm việc kết nối thông suốt, lâu dài…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử: Công cụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO