Hành nghề Y, Dược tư nhân: Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm

Phan Tuấn| 30/12/2013 09:04

Luật Khám bệnh, chữa bệnh nghiêm cấm những người làm công tác khám bệnh, chữa bệnh bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y). Tuy nhiên trên thực tế, không những tình trạng bác sĩ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc diễn ra phổ biến mà vẫn còn rất nhiều cơ sở hoạt động “chui”.

ADQuảng cáo

Vừa khám bệnh, vừa bán thuốc

Trong vai một bệnh nhân bị đau bụng, tôi tìm đến một phòng khám ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) để khám bệnh. Quan sát bên ngoài vào, ở biển hiệu chỉ thấy ghi phòng khám bác sỹ NTM, còn thì không thấy số hiệu giấy phép theo quy định.

Vào trong phòng khám thì chỉ có 2 chiếc giường để cho bệnh nhân nằm, chứ không có thêm bất cứ thiết bị, máy móc nào phục vụ cho việc khám, chữa bệnh. Trong quá trình khám, vị bác sỹ này không cần nội soi hay siêu âm mà chỉ gõ nhẹ vài cái vào bụng đã có thể đưa ra kết luận “bệnh nhân” bị đau dạ dày.

Điều đáng nói, sau khi khám xong, vị bác sỹ không kê đơn mà gợi ý cho “bệnh nhân” mua thuốc ngay tại đây. Theo vị bác này thì do mình là người khám chữa bệnh nên nắm rất rõ về dược, bệnh nhân khi mua tại đây có thể yên tâm, không lo ngại thêm vấn đề gì.

Qua tìm hiểu thêm ở một số nơi thì có những phòng khám tại gia, không công khai, trưng biển hiệu mà chỉ truyền miệng, hoặc quen biết, nhưng vẫn có khá đông bệnh nhân đến khám. Nhiều phòng khám không có đầy đủ những dụng cụ cần thiết, mặt bằng chật hẹp… và các bác sỹ cũng kiêm luôn việc bán thuốc.

Với nhiều bệnh nhân thì sau khi khám xong, rồi mua luôn thuốc là chuyện đương nhiên. Cũng có những người bệnh suy nghĩ là mua ngay tại cơ sở khám chữa bệnh cho tiện, đỡ mất công tìm kiếm ở chỗ khác mà chưa chắc đã có các loại thuốc ghi như trong đơn.

Có thể nói, phần lớn bệnh nhân chỉ quan tâm đến việc bệnh tình có mau thuyên giảm hay không chứ không thắc mắc, bận tâm đến việc bác sĩ trực tiếp bán thuốc là hành vi vi phạm theo quy định của Luật Khám chữa bệnh.

100 cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động "chui"

ADQuảng cáo

Theo Ông Nguyễn Túy, Trưởng Phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế) thì buôn bán tân dược là loại hình kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy phép mới được hành nghề.

Theo nguyên tắc, bác sỹ chỉ được phép kê đơn chứ không được phép bán thuốc, nên việc bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc là sai quy định.

Thế nhưng, để kiểm soát tình trạng này là rất khó khăn, bởi vì việc kiểm tra chỉ thực hiện tại khu vực khám chữa bệnh, trong khi thuốc được cất giấu ở trong nhà, nên khó phát hiện.

Ông Đặng Hồng Vũ, Phó Phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết thêm: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, nhưng thực tế mới chỉ có 82 cơ sở được cấp phép, khoảng 100 cơ sở đang hoạt động “chui”.

Thông qua các đợt thanh, kiểm tra, Sở Y tế cũng đã xử phạt nặng những phòng khám hoạt động “chui”, với các lỗi vi phạm như: hoạt động không phép, hành nghề và quảng cáo quá mức quy định…Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra Sở Y tế quá mỏng, nên không thể tiến hành kiểm tra các phòng khám tư nhân một cách thường xuyên.

Hàng năm, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho tất cả các cán bộ, bác sỹ làm việc tại bệnh viện các tuyến tỉnh, huyện, xã nắm bắt các quy định trong Luật Khám chữa bệnh. Ngoài ra, trung tâm y tế các huyện, thị xã cũng có trách nhiệm trực tiếp quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, nếu phát hiện có sai phạm thì báo ngay cho Sở Y tế kịp thời xử lý”.

Qua thực tế trên cho thấy, việc hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề y dược tư nhân là điều hết sức cần thiết để đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động ở các cơ sở hành nghề y dược tư nhân cũng cần được các ngành chức năng chú trọng hơn nữa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành nghề Y, Dược tư nhân: Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO