Gia tăng tỷ lệ mắc bướu cổ ở trẻ em 8 – 10 tuổi

Ngọc Vân| 19/01/2016 08:45

Năm 2005, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt Việt Nam đã công bố thanh toán tình trạng thiếu i-ốt trên phạm vi toàn quốc.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên phạm vi toàn quốc đạt tới 93,2%; tỷ lệ bướu cổ trẻ em dưới 5 tuổi còn 3,6%. Từ năm 2006, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt chấm dứt. Tuy nhiên, sau 10 năm, nguy cơ tình trạng mắc bướu cổ có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em từ 8 – 10 tuổi.

Trong năm 2015, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiến hành điều tra kiến thức, thái độ, hành vi đối với các nhóm đối tượng là chủ cửa hàng bán lẻ muối i-ốt và phụ nữ trong độ tuổi từ 18-49 tuổi trong chương trình khảo sát nhận thức của người dân về công tác phòng chống bướu cổ.

Trung tâm cũng tổ chức khám phát hiện bướu cổ cho 1.800 học sinh từ 8-10 tuổi tại các trường tiểu học trên địa bàn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc bướu cổ ở các em học sinh trong độ tuổi này đang có dấu hiệu tăng dần qua các năm.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ này năm 2011 là 1,56% nhưng năm 2015 đã tăng lên 2,9%, tập trung chủ yếu ở 2 nhóm tuổi là 9 tuổi (34,6%) và 10 tuổi (42,3%). Trong số các em mắc bướu cổ thì tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh dân tộc Kinh (2,6%) thấp hơn dân tộc thiểu số (3,9%) và tỷ lệ này cũng có sự khác nhau ở từng huyện, thị.

Nghị định 163/2005/NĐ-CP cho phép muối cho người ăn và muối dùng trong sản xuất thực phẩm không còn bắt buộc phải là muối i-ốt, do đó người dân có thêm rất nhiều lựa chọn trong sử dụng muối và gia vị mặn thực phẩm không có i-ốt. Chính điều này đã làm cho hàm lượng muối i-ốt được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày không còn được bảo đảm. Nhiều người thường chọn các loại gia vị mặn thay thế trong việc chế biến thức ăn. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ trẻ bị mắc bệnh bướu cổ gia tăng trở lại.

Tình trạng gia tăng tỷ lệ mắc bướu cổ không sớm được khắc phục sẽ dẫn tới những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Một trong những giải pháp cần kịp thời triển khai là nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế về tác hại của thiếu i-ốt và cách phòng chống.

Một số chỉ tiêu cần được theo dõi, giám sát chặt như tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi, mức i-ốt niệu trung vị ở phụ nữ 18-49 tuổi, tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Đặc biệt, các cấp, ngành cần phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền cho nhân dân mua và sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường để phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng tỷ lệ mắc bướu cổ ở trẻ em 8 – 10 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO