Dịch vụ y tế công lập: Còn đó nhiều nỗi lo

Bảo Ngọc| 23/08/2016 10:21

Kết quả điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2015 cho thấy nhiều nội dung cần quan tâm, trong đó đáng lo ngại là điều kiện vệ sinh và chất lượng khám, chữa bệnh.

ADQuảng cáo

Người dân chưa thực sự hài lòng

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tổ chức cuộc điều tra, khảo sát với 900 bệnh nhân (bệnh nhân điều trị nội trú 541 người, ngoại trú 449 người) xung quanh các nội dung về: Mức độ thuận tiện tiếp cận dịch vụ y tế công lập; về khả năng đáp ứng của cơ sở y tế công lập đối với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; về chi phí sử dụng dịch vụ y tế công lập; cơ chế phản hồi chất lượng cung ứng dịch vụ y tế công lập; thông tin về đối tượng điều tra, khảo sát; thực trạng nguồn nhân lực y tế.

Nhiều bệnh nhân chưa hài lòng về thời gian thanh toán viện phí và làm thủ tục ra viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Kết quả khảo sát cho thấy, về khả năng đáp ứng của cơ sở y tế công lập đối với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, có 515 ý kiến đánh giá về trang thiết bị y khoa cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chiếm 57,2%.

Đánh giá thái độ của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, mức độ “tận tình” và “rất tận tình” chiếm 49,8%; “bình thường” là 41% và “không tận tình” chiếm 9,2%.

Về đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh, mức độ “rất tốt” và “tốt” là 39,2%; “bình thường” là 29,9%; “kém và rất kém” là 30,9%.

Việc y, bác sĩ có mặt không đầy đủ trong các ca trực, có 99/451 người trả lời “không có mặt” (chiếm 22%). Về thái độ của y, bác sĩ khi người bệnh cần hỗ trợ: “bác sĩ qua ngay nhưng khó chịu” là 14,4%, “chờ một lúc lâu mới qua” là 26,4%...

Theo kết quả khảo sát, mức độ hài lòng đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập là 69,3%; không hài lòng là 30,7%. Như vậy, tỉ lệ không hài lòng đối với sự cung cấp dịch vụ y tế công lập trên địa bàn còn cao.

Trong việc cung cấp dịch vụ y tế công lập có 5 yếu tố sau đây khiến những người được khảo sát không hài lòng nhất là: Điều kiện vệ sinh (59.8%); chất lượng khám, chữa bệnh (58%); cơ chế tiếp thu, phản hồi góp ý, kiến nghị (48,6%); thái độ phục vụ của các bác sĩ và nhân viên y tế (47,5%); máy móc, trang thiết bị khám, chữa bệnh (44,6%).

ADQuảng cáo

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Kết quả điều tra, khảo sát của Sở Nội vụ và quyết định công bố kết quả của UBND tỉnh là khách quan. Các chỉ số đánh giá tương đối chính xác, phản ánh được thực tế của ngành Y tế trong thời gian hiện nay. Ngành cũng tự đánh giá là còn nhiều bất cập, đáng lo ngại và cần nhanh chóng giải quyết.

Về vấn đề vệ sinh kém, nguyên nhân là do đội ngũ hộ lý còn mỏng, mỗi khoa chỉ có một người. Bệnh viện tuyến huyện chỉ có 5, 6 hộ lý; bệnh viện tỉnh thì có khoảng 40 hộ lý. Công việc lại nhiều, rất vất vả; lương của hộ lý quá thấp, họ không có nhiều động lực làm việc, nhiều người chưa ý thức cao trong công việc.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tách ra một số biên chế (hộ lý, lái xe, bảo vệ) theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ để tiến hành hợp đồng ngắn hạn. Sở giao cho các đơn vị tự cân đối bằng nguồn thu để trả lương theo dạng hợp đồng ngắn hạn, hoặc thuê công ty độc lập để thực hiện việc dọn vệ sinh. Mục tiêu là vệ sinh lúc nào cũng bảo đảm sạch sẽ, qua đó, vừa giải quyết được vấn đề biên chế, vừa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tạo động lực, kích thích ý thức, cường độ lao động.  

Về chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, nguyên nhân cơ bản là xuất phát điểm quá thấp, từ một bệnh viện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk (cũ) tách ra. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ còn kém.

Mặc dù ngành đã triển khai nhiều biện pháp đào tạo nâng cao trình độ nhưng so với mặt bằng chung của các tỉnh, thành khác, thậm chí so với một vài khoa ở các bệnh viện tuyến huyện thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể còn thấp hơn.

Sở đang có định hướng, quan trọng nhất là tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao giai đoạn 2015-2020. Bằng nội lực, ngành tăng cường công tác đào tạo. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, tập trung đào tạo bác sĩ chuyên khoa sau đại học để có thể thực hiện được những dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”; tăng cường thực hiện công tác phối kết hợp với ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh về đào tạo nhân lực, hỗ trợ dịch vụ khám chữa bệnh…

Bà Hương cũng khẳng định, ngành Y tế nghiêm túc tiếp thu những nội dung đặt ra từ kết quả điều tra, khảo sát để nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ y tế công lập. Mục đích là nhanh chóng khắc phục sớm những yếu tố ảnh hưởng đến sự không hài lòng của người dân, đồng thời giữ vững và phát huy những yếu tố đã nhận được sự hài lòng của người dân.

Kết quả từ quá trình điều tra, khảo sát là một nguồn thông tin bổ ích, đáng tin cậy để ngành Y tế tỉnh lấy làm cơ sở, nghiên cứu, đề ra những giải pháp phù hợp để có thể khắc phục những tồn tại, yếu kém về chất lượng cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao hơn nữa thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ y tế công lập: Còn đó nhiều nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO