Đắk Nông không có sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm

Hồng Thoan thực hiện| 17/04/2017 09:55

Đây là khẳng định của ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) khi trao đổi với phóng viên (PV) Báo Đắk Nông xung quanh công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Ông Đoàn Văn Đáp

PV: Thưa ông, trong điều kiện mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xuất hiện dịch cúm gia cầm thì nguy cơ này đối với Đắk Nông như thế nào?

Ông Đoàn Văn Đáp: Trước hết có thể nói rằng, nguy cơ thì có nhưng không cao, bởi ngành chức năng, các địa phương đã dự đoán được tình hình trên cơ sở đó có các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để dự phòng. Theo đó, trên cơ sở sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục đã ban hành các văn bản về việc tăng cường sự chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Trong đó, cụ thể nhất là việc cấp phát và chỉ đạo 8/8 huyện, thị xã triển khai đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, đến nay đã hoàn thành. Tổng số hóa chất khử trùng được sử dụng là 4.234 lít. Cùng với đó, các huyện, thị xã đã và đang thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác này, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm từ nơi khác về.

PV: Trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thì hoạt động kiểm tra sự lưu hành của vi rút có vai trò rất quan trọng, vậy vấn đề này đã được đơn vị triển khai như thế nào, thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Đoàn Văn Đáp: Đúng vậy, việc kiểm tra sự lưu hành của vi rút có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cơ quan chuyên môn đánh giá khoa học về nguy cơ có thể bùng phát bệnh hay không. Điều đáng mừng là tháng 3 vừa qua, đơn vị đã lấy 93 mẫu tại các chợ trên địa bàn tỉnh thì không có mẫu nào phát hiện có vi rút. Đồng nghĩa rằng, Đắk Nông không có sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm nên nguy cơ có dịch là không có. Tuy nhiên, với phương châm phòng là chính, chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các chốt, trạm kiểm dịch động vật tăng cường việc kiểm tra, trực kiểm soát 24/24 giờ...

PV: Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, để phòng, chống cúm gia cầm hiệu quả, người chăn nuôi, người dân cần chú ý triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Đoàn Văn Đáp: Đối với người chăn nuôi thì việc quan trọng là thực hiện tiêm phòng cho gia cầm đầy đủ, cùng với đó là tiến hành các biện pháp an toàn sinh học từ con giống sạch bệnh, đến định kỳ tiêu độc khử trùng... Chủ nuôi cũng cần phối hợp tốt với cơ quan chức năng nếu có nghi ngờ có bệnh để tránh lây lan ra diện rộng, thiệt hại nặng về kinh tế; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đối với người tiêu dùng thì người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, bảo đảm ăn chín uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Tư thương không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, người dân nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch và các khu vực được thông báo có nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở môi trường. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm thì người dân phải nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông không có sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO