Chương trình hợp tác y tế giữa Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh: Hiệu quả thiết thực

Vũ Trang| 31/10/2017 08:48

Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển y tế giai đoạn 2016-2020 giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, bằng nhiều phương thức khác nhau, việc hợp tác đã bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực.

ADQuảng cáo

Được các bệnh viện TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao

Đa dạng các hình thức chuyển giao kỹ thuật

Với mục tiêu đưa kỹ thuật cao mà tuyến dưới còn yếu hoặc thiếu, các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực chuyển giao kỹ thuật mới, hiện đại cho tuyến dưới. Theo đó, các bệnh viện như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ... đã xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa (BVĐK) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Để việc chuyển giao đạt hiệu quả, các bệnh viện đã tiếp nhận các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng từ các BVĐK của tỉnh Đắk Nông về đào tạo theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” từ 3 đến 9 tháng tùy theo chuyên ngành.

Theo Tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Bá Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh), bệnh viện vừa hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật nội soi hệ tiết niệu cho BVĐK tỉnh Đắk Nông. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng BVĐK tỉnh Đắk Nông đã cố gắng cử 1 ê kíp xuống học tập, tiếp nhận kỹ thuật mới. Đến nay, BVĐK tỉnh Đắk Nông đã tự thực hiện thành công rất nhiều ca nội soi hệ tiết niệu. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương mà còn tạo động lực, sự phấn khởi cho đơn vị chuyển giao.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện, Bệnh viện Nhi Đồng II (TP.Hồ Chí Minh), việc đào tạo và chỉ đạo tuyến là một trong những hoạt động mũi nhọn được bệnh viện chú trọng thực hiện. Theo đó, công tác chỉ đạo tuyến được bệnh viện triển khai bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các cơ sở y tế tuyến dưới. Về chương trình hợp tác với Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, bệnh viện đang triển khai chuyển giao kỹ thuật bơm Surfactant và thở máy sơ sinh cho BVĐK Đắk Nông. Việc chuyển giao được thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc” ngay tại Bệnh viện Nhi Đồng II. “Sắp tới, nếu BVĐK Đắk Nông có nhu cầu, đơn vị sẽ đưa xe cấp cứu xuống để hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ ngay tại địa phương”, bác sĩ Thiện cho biết thêm.

Chia sẻ về kinh nghiệm chỉ đạo tuyến, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện nay, bệnh viện đã triển khai việc đào tạo trực tuyến, tổ chức 2 lần/tháng với 26 chuyên đề, chuyển giao cho 60-80 đầu cầu tại các tỉnh. Với phương pháp đào tạo trực tuyến, bệnh viện có thể tiết kiệm chi phí đi lại, kết nối với nhiều điểm và nhiều nhân viên y tế cùng lúc, có nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”.

Đối với việc chuyển giao kỹ thuật thông qua hình thức trực tuyến, hiện nay, BVĐK huyện Đắk Glong cũng đang triển khai thực hiện. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc BVĐK huyện Đắk Glong, hiện tại, đơn vị đã kết nối phòng họp trực tuyến với 2 bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Hàng tuần, đội ngũ cán bộ y tế sinh hoạt chuyên môn vào chiều thứ 5. Ngoài ra, hình thức trực tuyến còn giúp bệnh viện hội chẩn từ xa về các bệnh nội khoa...

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển y tế giai đoạn 2016-2020 giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh mới đây, Giáo sư-bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật trở thành nhu cầu bức thiết. Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, do xuất phát điểm thấp, nguồn nhân lực y tế thiếu và phân bổ chưa đồng đều, trang thiết bị còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hợp tác. Tuy nhiên, ngành Y tế của tỉnh đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm cao, đội ngũ cán bộ y tế có tinh thần học hỏi một cách nghiêm túc, nhiệt tình... Đây là một trong những động lực quan trọng để các cơ sở y tế TP. Hồ Chí Minh tích cực hợp tác, chuyển giao kỹ thuật.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: “Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Y tế địa phương đang tranh thủ các nguồn hỗ trợ, xã hội hóa để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, góp phần bảo đảm công tác chuyển giao đạt kết quả, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình hợp tác y tế giữa Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh: Hiệu quả thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO