Chủ động phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa mưa

Lý Nguyễn| 22/04/2014 09:40

Đắk Nông đang bước vào mùa mưa, thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn cũng như ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong thời gian qua, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sốt phát ban… tăng cao. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

ADQuảng cáo

Bác sỹ Ya Đuyên, Phó Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trong những ngày qua, số trẻ nhập viện vì tay chân miệng, thủy đậu… tăng cao.

Tính đến ngày 6/4, tỉnh ta đã có 54 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), 62 trường hợp mắc bệnh sởi. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, đã có 101 trường hợp mắc thủy đậu, 659 trường hợp tiêu chảy, 54 trường hợp lỵ trực trùng, 540 trường hợp mắc các bệnh cúm thông thường…

Nhiều bệnh nhân do không được điều trị kịp thời nên bệnh đã chuyển từ tình trạng nhẹ sang nặng, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, các bà mẹ cần có kiến thức chăm sóc trẻ, biết khi nào có thể chăm sóc trẻ ở nhà và khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến 2 bệnh thủy đậu và tay chân miệng, vì hai bệnh này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Bệnh có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh này thường xuất hiện trong mùa hè ở trẻ em với triệu trứng ban đầu là sốt, kèm theo đau họng. Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát có thể xuất hiện trong miệng hoặc cổ họng.

Chứng phát ban có thể nhìn thấy rõ ràng trên bàn tay, bàn chân, miệng, lưỡi, bên trong má, và đôi khi cũng gặp ở mông. Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của trẻ.

ADQuảng cáo

Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh nơi ở, đồ chơi của bé. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là cách tốt để phòng bệnh cho trẻ.

Thủy đậu cũng là một trong những bệnh hay gặp không chỉ ở trẻ em mà còn cả người lớn. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho. Thời kỳ lây truyền là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Trước tình hình trên, Ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp như giám sát hàng ngày tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hướng dẫn các hộ gia đình có con em mắc bệnh tay chân miệng thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà, xử lý, lau chùi sàn nhà, đồ chơi của trẻ bằng các hóa chất thông thường theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tiến hành điều tra, rà soát, thống kê đầy đủ và tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho các đối tượng từ 9 tháng đến 5 tuổi trên địa bàn.

Để chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp trong mùa mưa cho trẻ, các bậc cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp đơn giản như: giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cho trẻ ăn chín, uống nước đun sôi để nguội.

Giữ cho cơ thể trẻ mát mẻ bằng cách cung cấp đủ nước, hạn chế các loại thức uống có đường. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách đa dạng hóa chế độ ăn uống, đặc biệt là cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, các loại vitamin và khoáng chất. Vui chơi, tập luyện thể lực và ngủ đủ giấc cũng sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phòng ngừa được bệnh tật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO