"Chìa khóa" nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Vũ Trang| 24/01/2018 10:15

Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, những năm qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, ngành Y tế luôn quan tâm thu hút, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương.

ADQuảng cáo

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) ký kết chương trình chuyển giao kỹ thuật

Làm chủ kỹ thuật hiện đại

Từ tháng 7/2017, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh bắt đầu triển khai kỹ thuật nội soi hệ tiết niệu và đến nay đã phẫu thuật cho hơn 130 bệnh nhân. Theo bác sĩ-chuyên khoa I Bùi Chí Trung, Phó Giám đốc bệnh viện, trước đây, hầu hết các bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tiết niệu đều thực hiện bằng phương pháp mổ hở hoặc chuyển lên tuyến trên. Việc can thiệp vết thương lớn gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân và thời gian bình phục cũng lâu hơn.

Tuy nhiên, khi triển khai phẫu thuật nội soi, chỉ mất khoảng 1-2 ngày, hầu như bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và hoàn toàn có thể sinh hoạt bình thường. Để triển khai thành công kỹ thuật này, một ê kíp y, bác sĩ đã được cử đi đào tạo tại Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh). Với tinh thần học tập nghiêm túc, ê kíp đã tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để áp dụng tại địa phương.

Tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Bá Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng BVĐK tỉnh Đắk Nông đã cố gắng cử ê kíp xuống học tập, tiếp nhận kỹ thuật mới và đến nay đã tự thực hiện thành công. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương mà còn tạo động lực, sự phấn khởi cho đơn vị chuyển giao”.

Theo Thạc sĩ-bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc BVĐK tỉnh, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực luôn được bệnh viện chú trọng. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hàng chục lượt cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng II... đến hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật. Các lĩnh vực được chuyển giao gồm: ngoại khoa, sản khoa, gây mê hồi sức, chống nhiễm nhuẫn, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng...Hàng năm, bệnh viện cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho y, bác sĩ tham gia đào tạo sau đại học ở các bậc thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II và đào tạo chuyển giao gói kỹ thuật tại các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương. Riêng trong năm 2017, hàng trăm lượt cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo năng lực chuyên môn tại tuyến trên, tập trung ở một số lĩnh vực như phẫu thuật nội soi, chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa, nội khoa, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực, nhi khoa…

Thực tế cho thấy, việc chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đã góp phần giúp bệnh viện phát triển nhiều dịch vụ đa dạng và có chất lượng. Nhiều kỹ thuật khó trước đây không thể thực hiện độc lập tại bệnh viện thì hiện nay, các bác sĩ đã vững vàng, tự chủ thực hiện, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo như phẫu thuật nội soi ổ bụng, chấn thương sọ não, thần kinh... Trong 2 năm 2016 và 2017, trung bình mỗi năm, BVĐK tỉnh bổ sung thêm hơn 500 danh mục kỹ thuật trong tuyến và 4-5 dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến.

Được chuyển giao, tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được các ca phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu

Đa dạng hình thức đào tạo, chuyển giao

ADQuảng cáo

Cứ mỗi chiều thứ 5 hàng tuần, đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK huyện Đắk Glong lại tập trung về phòng họp trực tuyến để sinh hoạt chuyên môn với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Kwar Nao Mham, Trưởng khoa Khám-Cấp cứu của bệnh viện chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên, đội ngũ y, bác sĩ học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăm sóc, chẩn đoán bệnh, từ đó, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc BVĐK huyện Đắk Glong, việc đào tạo bằng hình thức trực tuyến là một trong những điểm mới được bệnh viện triển khai từ năm 2017. Hiện tại, đơn vị đã kết nối phòng họp trực tuyến với 2 bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Với phương pháp đào tạo trực tuyến, đơn vị vừa có thể tiết kiệm chi phí đi lại, vừa kết nối được với nhiều điểm và nhiều nhân viên y tế cùng lúc, có nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, hình thức trực tuyến còn giúp bệnh viện hội chẩn từ xa về các bệnh nội khoa...

Cũng theo bác sĩ Huynh, cùng với đào tạo trực tuyến, bệnh viện còn cử cán bộ đi đào tạo ở các bệnh viện tuyến trên, hay mời các ê kíp của bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh chuyển giao kỹ thuật ngay tại đơn vị. Nhờ đó, hiện nay, bệnh viện đã triển khai thành thạo nhiều kỹ thuật như: phẫu thuật RTV, phẫu thuật lấy thai, đình sản nữ, hồi sức cấp cứu, xử lý vết thương phức tạp, nội soi tai mũi họng... Trước năm 2016, mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận khám, chữa bệnh cho khoảng 20-30 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt hơn 50%, nhưng hiện nay tăng lên khoảng 80-100 bệnh nhân/ngày và công suất sử dụng giường bệnh đạt hơn 90%.

Tương tự, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện, gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương, đơn vị. Hình thức đào tạo cũng đa dạng, chủ yếu là cử các y, bác sĩ đi học những kỹ thuật mới ở bệnh viện tuyến trên, hoặc mời các ê kíp của bệnh viện tuyến trên về khám, điều trị và đào tạo ngay tại chỗ. Các y, bác sĩ còn được cử đi tham gia các hội thảo nghiên cứu khoa học về các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực y tế để cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm trong điều trị, phẫu thuật...

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông tiếp nhận hàng chục lượt cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật

"Giảm tải" cho tuyến trên

Theo Sở Y tế, hàng năm, ngành đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển giao các kỹ thuật cao đang thực hiện tại tuyến tỉnh thuộc các chuyên ngành: Hồi sức cấp cứu, ngoại, chấn thương, tim mạch, nhi khoa, sản phụ khoa... cho bệnh viện tuyến dưới. Từ năm 2016 đến nay, hàng trăm lượt cán bộ y tế ở tuyến tỉnh đã được luân phiên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện, còn tuyến huyện hỗ trợ cho tuyến xã, thời gian mỗi đợt là 3 tháng. Nhờ đó, 80% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đối với bệnh viện hạng III đã được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến huyện. Một số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai thành công các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, thu hút đông đảo người dân đến khám, chữa bệnh, "giảm tải" cho tuyến trên.

Có thể khẳng định, trước sự gia tăng về nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, tình trạng "quá tải" vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và bền vững, thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở. Đây cũng là “đòn bẩy” quan trọng để các BVĐK trên địa bàn phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Cùng với nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Y tế đang tranh thủ các nguồn hỗ trợ, xã hội hóa để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi cơ sở khám, chữa bệnh, mỗi cán bộ y tế phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như y đức để phục vụ ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, xứng đáng với niềm tin của nhân dân”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chìa khóa" nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO