Cần hiểu đúng về tác dụng chữa "bách bệnh" của sừng tê giác

27/11/2015 13:59

Hiện nay trên thế giới, tê giác là loài động vật có tên trong “sách đỏ” cần được bảo vệ. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có những con tê giác bị săn lùng, sát hại chỉ để lấy sừng làm thuốc.

ADQuảng cáo

Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng việc sử dụng và mua bán sừng tê giác diễn ra phổ biến, với giá cả rất đắt đỏ, vì được xem là một thứ dược phẩm quý hiếm. Trong dân gian luôn đồn thổi, sừng tê giác chữa được “bách bệnh” như yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới, giúp trường thọ và đặc biệt là chữa được ung thư và đái tháo đường.

Ảnh tư liệu

Trên thực tế, theo các nghiên cứu thì sừng tê giác chỉ có các thành phần hóa học như: Keratin, canxi cacbonat, canxi photphat. Khi thủy phân, sừng tê giác có các axit amin là tyrosin, tiolactic xystein.

Theo sách cổ: Sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn; tác dụng: Thanh huyết nhiệt (làm mát huyết), giải ôn độc và định kinh, thường dùng trong trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, máu cam, nhức đầu, ung nhọt, hậu bối. Có tác giả nghiên cứu thấy tê giác làm tăng nhu động ruột, tăng hồng cầu và giảm bạch cầu.

Theo khoa học nghiên cứu, keratin được tạo nên từ các phân tử protein, giống như những protein tạo ra móng tay, móng chân, tóc người…Các enzyme phân giải protein trong dạ dày (như pepsin) và ruột non (trypsin) của con người gần như không thể hòa tan keratin cứng hoặc chỉ tiêu hóa một lượng không đáng kể dù người sử dụng đã mài mịn trước khi dùng. Do vậy, khi uống sừng tê giác cũng giống như ta tự uống móng tay, móng chân và tóc của mình, nên không có tác dụng chữa “bách bệnh”, chữa ung thư như những lời thổi phồng, đồn đại.

ADQuảng cáo

Từ xưa đến nay, các lương y đã dùng sừng trâu thay thế sừng tê giác trong điều trị bệnh đã đạt được nhiều kết quả tốt. Mặt khác, y học hiện đại ngày nay cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu.

Theo kết quả nghiên cứu tiến hành tại hàng loạt cơ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh và một số thành phố khác của Trung Quốc, trong sừng tê giác và sừng trâu đều chứa 17 loại axit amin. Kết quả phân tích bán vi lượng trên máy quang phổ cho thấy, thành phần các chất hữu cơ và vô cơ trong sừng tê giác và sừng trâu cơ bản tương đồng.

Nếu sừng tê giác có tác dụng cầm máu thì các vị thuốc thảo mộc thay thế nhanh hơn và rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn có thể dùng các vị thuốc chỉ huyết như hòe hoa, trắc bách diệp, ngó sen, bẹ móc... sao cháy, sắc uống. Tác dụng hay nhất của sừng tê giác được Đông y nói đến là hạ sốt và chống co giật. Với người bị sốt cao, thậm chí co giật thì chỉ cần một liều thuốc tân dược là đã có thể hạ sốt được.

Từ những kinh nghiệm lâm sàng và những nghiên cứu khoa học trên, con người có thể dùng sừng trâu, thảo mộc… thay thế cho sừng tê giác, vừa đảm bảo được kết quả chữa bệnh, giá thành rẻ, dễ mua, không bị làm giả và đặc biệt là góp phần bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Nền y học được thế giới công nhận hiện nay gọi là y học thực chứng, tức là tác dụng hiệu quả của một loại thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải dựa vào chứng cứ là kết quả thử nghiệm lâm sàng khoa học đúng quy cách chứ không dựa vào sự đồn đại, truyền miệng.

Như vậy, con người có nên sử dụng sừng tê giác một cách mù quáng không?

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hiểu đúng về tác dụng chữa "bách bệnh" của sừng tê giác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO