Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi

Nguồn TTXVN| 19/04/2014 18:25

Ngày 18/4, Bộ Y tế đã có quyết định số 1327/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.

ADQuảng cáo

Theo Hướng dẫn, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên.

Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy… và có thể gây tử vong.

Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do virus sởi hoặc do bội nhiễm sau sởi (thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữa có thai). Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.

Hiện nay, bệnh sởi không có điều trị đặc hiệu, chỉ có điều trị hỗ trợ. Người mắc bệnh sởi cần được cách ly, phát hiện và điều trị sớm biến chứng.

Đối với điều trị hỗ trợ, người bệnh sẽ được vệ sinh da, mắt, miệng, họng, tăng cường dinh dưỡng; đồng thời bổ sung vitaminA cho trẻ nhỏ để tăng cường sức đề kháng.

Điều trị các biến chứng được phân ra thành viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn mắc trong cộng đồng, viêm phổi do vi khuẩn mắc tại bệnh viện, viêm thanh khí quản, viêm não màng não cấp tính.

ADQuảng cáo

Hướng dẫn đã quy định cụ thể hoạt động phân tuyến điều trị như tuyến xã, phường tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng; tuyến huyện tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp; tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh nhân mắc sởi có biến chứng; tuyến Trung ương chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng vượt quá khả năng xử lý của tuyến tỉnh.

Để phòng bệnh chủ động, các bậc phụ huynh cần cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng tiêm đủ hai mũi vắcxin phòng bệnh sởi của dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu lúc 9 tháng tuổi).

Khi mắc bệnh, người bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp; sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế. Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.

Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban.

Để phòng lây nhiễm bệnh sởi trong bệnh viện, các bác sỹ phải phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi. Đồng thời, sử dụng Immune Globulin (IG) tiêm bắp sớm trong vòng 3-6 ngày kể từ khi phơi nhiễm với sởi cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện vì những lý do khác. Không dùng thuốc này cho trẻ đã tiêm phòng đủ hai mũi vắcxin sởi…

* Chiều tối 18/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của dịch sởi trong ngày. Theo đó, trong ngày cả nước đã ghi nhận thêm 120 ca mắc sởi mới trong tổng số 258 ca sốt phát ban dạng sởi ở 31 tỉnh, thành. Tích lũy từ đầu năm tới chiều 18/4, cả nước đã có 3.256 người mắc sởi trong tổng số 8.779 người sốt phát ban dạng sởi ở 61/63 tỉnh thành. Đã có 25 ca tử vong do sởi và 114 ca tử vong có liên quan tới sởi. Hiện tượng nhiễm sởi lây nhiễm chéo giữa các khoa ở Bệnh viện Nhi trung ương vẫn còn cao, với 39 ca trong ngày.

Bộ Y tế quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch sởi tại Hà Nội và TPHCM để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, giảm tử vong và số ca mắc mới. Các đoàn sẽ bắt đầu tổ chức kiểm tra trước ngày 23/4.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO