Bảo tồn, phát triển cây thuốc nam cần dựa vào cộng đồng

Vũ Trang| 25/09/2017 11:09

Thời gian qua, ngành Y tế phối hợp với Hội Đông y tỉnh Đắk Nông đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển mạng lưới y học, dược học cổ truyền, nhất là xây dựng và phát triển vườn thuốc nam, góp phần nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân.

ADQuảng cáo

Y sĩ Trần Ngọc Liêm (bên trái), cán bộ Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) giới thiệu công dụng cây thuốc nam cho người dân

Xây dựng vườn thuốc nam tại trạm y tế

Theo quy định trong bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, các trạm y tế phải dành ít nhất 30m2 đất để xây dựng vườn thuốc nam mẫu; trong đó, trồng 40 loại cây thuốc với 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp như: Tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan… Mỗi loại cây thuốc phải có bảng hướng dẫn về công dụng để người dân tìm hiểu.

Điển hình, Trạm y tế xã Đắk P’lao (Đắk Glong) đã đầu tư một vườn thuốc nam với gần 60 cây thuốc như: Trinh nữ hoàng cung, cây lá bỏng, cây sài đất, cà gai leo…

Ông Y Khôi, Trưởng Trạm y tế xã cho biết: “Những cây thuốc trồng trong vườn thuốc nam của trạm đều được sưu tầm từ các hộ gia đình trên địa bàn. Một số cây thuốc mọc hoàn toàn ở tự nhiên mà người dân không biết đến, cán bộ của trạm đưa về trồng nhằm giới thiệu cho bà con về công dụng và nhân rộng ra cộng đồng. Việc xây dựng vườn thuốc nam phong phú là một trong những yếu tố thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ”.

Tương tự, nhiều năm nay, việc bảo tồn và phát triển cây thuốc nam cũng luôn được Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) hết sức quan tâm. Theo y sĩ Trần Ngọc Liêm, cán bộ phụ trách công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, bình quân mỗi năm, trạm khám, chữa bệnh cho gần 10.000 lượt người, trong đó, hơn 30% khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Với nhu cầu sử dụng thuốc nam của người dân ngày càng cao, trạm đã sưu tầm và trồng hàng chục loại cây thuốc nam trong khuôn viên trạm.

ADQuảng cáo

Y sĩ Liêm cho biết: “Trạm xây dựng được vườn thuốc nam để vừa cung cấp cho công tác điều trị, vừa giới thiệu, tuyên truyền cho người dân địa phương về cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng. Bên cạnh đó, về mặt mỹ quan, vườn thuốc nam còn tạo cảnh quan đẹp, tăng khoảng không gian xanh, trong lành cho trạm y tế”.

Theo Sở Y tế, với những lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong đó có việc sử dụng các loại cây thuốc nam, hàng năm, ngành luôn phát động và khuyến khích các trạm y tế trên địa bàn duy trì và phát triển mô hình vườn thuốc nam. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng và công nhận trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tính đến cuối năm 2016, 100% trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh có bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền. Trong đó, 62/71 trạm y tế xã, phường (chiếm 87,3%) đạt chuẩn quốc gia y tế xã về y học cổ truyền.

Nhân rộng mô hình trong nhân dân

Không chỉ trồng tại trạm y tế, hiện nay, nhiều loại cây thuốc nam còn được trồng và phát triển tại các hộ gia đình. Tại xã Đắk P’lao, nhiều hộ gia đình đã sưu tầm và trồng các cây thuốc nam tại nhà. Đơn cử như gia đình bà Lương Thị Thí ở thôn 4, xã Đắk P’lao là hộ có nhiều loại cây thuốc nam nhất trên địa bàn xã. Vườn của bà có gần 20 loại cây thuốc nam, trong đó, có những cây thuốc lạ.

Bà Thí cho biết: “Tôi trồng nhiều cây thuốc để chữa những bệnh nhẹ như ho, hen suyễn, tiêu chảy, đau mắt… cho mọi người trong nhà vì công dụng chữa bệnh của chúng rất hay. Những cây thuốc nam trong vườn đều được tôi sưu tầm từ nhiều nơi. Có nhiều cây thuốc được tôi lấy từ Cao Bằng rồi mang vào đây trồng”.

Nói về việc trồng và sử dụng cây thuốc nam, chị Vi Thị Hằng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng cho biết: “Hôm trước, tôi đến khám bệnh, nhìn thấy vườn thuốc của trạm y tế xã có những loại cây rất quen thuộc hàng ngày như mã đề, sài đất..., lại ghi rất nhiều công dụng chữa bệnh. Những cây này mọc nhiều nên tôi thường nhổ bỏ, bây giờ biết rồi nên phải sưu tầm, trồng trong vườn nhà, phòng khi mắc các bệnh thông thường còn có cái để dùng”.

Theo ông Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, từ lâu người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và các lương y trên địa bàn tỉnh đã biết khai thác, sử dụng nguồn dược liệu để phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận nên khi người dân chưa có cách thức khai thác hợp lý, bền vững thì nhiều cây dược liệu, nhất là cây dược liệu quý ngày càng khan hiếm. Điều đó đòi hỏi sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu này. Để làm được điều đó, cùng với nghiên cứu, sưu tầm và phát triển các loại cây thuốc nam trên địa bàn, các cấp hội cũng như ngành Y tế cần tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trồng và nhân rộng các loại cây thuốc nam tại vườn nhà. Nói một cách khác, việc bảo tồn, phát triển các loại cây thuốc nam cần phải dựa vào cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển cây thuốc nam cần dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO