Những "công nhân" đặc biệt trong nhà kính

Phan Đinh| 16/02/2021 06:20

Vườn dưa lưới thuần hữu cơ được sản xuất với những phương pháp đặc biệt. Trong đó, đặc biệt nhất là chủ vườn dùng ong để thụ phấn cho hoa, tạo ra những quả dưa chất lượng, giá trị cao.

ADQuảng cáo

Một ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm vườn dưa lưới của anh Nguyễn Đức Thiện, ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp). Vườn dưa lưới đang bung hoa, tràn đầy sức sống, hứa hẹn cho anh Thiện thêm một vụ mùa bội thu.

Dưa được trồng trong nhà kính rất kín đáo, nhưng lạ thay, trên các giàn dưa, vẫn có nhiều con ong đang cặm cụi lấy mật ở những bông hoa mới nở. Điều này, khiến không ít người cảm thấy tò mò.

Anh Thiện là người tiên phong trong việc trồng dưa lưới trên địa bàn. Cách đây 2 năm, anh tìm hiểu các mô hình nông nghiệp sạch và quyết định trồng dưa lưới để phát triển kinh tế. Anh đã đầu tư hơn 350 triệu đồng làm 1.500m2 nhà kính và bắt tay tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa lưới hữu cơ.

Anh Thiện đưa ong ra ngoài nghỉ dưỡng để khi vườn dưa lưới nở hoa sẽ vào nhà kính làm việc.

Một trong những điều thú vị, anh sử dụng đàn ong để thụ phấn cho hoa. Ong thụ phấn cho hoa, thay thế sức người lao động là lựa chọn hoàn hảo để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ong chỉ sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ, không có hóa chất độc hại.

Anh Thiện cho biết: “Ong là “cánh tay” đắc lực cho bà con nông dân. Dưa lưới khi đến kỳ nở hoa cần được thụ phấn mới đậu quả. Vì thế, khi hoa nở, tôi đưa đàn ong vào vườn từ 2-3 ngày làm công việc thụ phấn cho vườn dưa".

Theo anh Thiện, ong thụ phấn không gây nhiễm bệnh như thụ phấn nhân tạo. Với sự cần mẫn, khéo léo và “chuyên nghiệp”, ong thụ phấn chính xác tuyệt đối đến từng bông hoa và không gây hư hại nhị hoa, làm cho quả dưa sau này phát triển tròn, đều đẹp mắt. "Ong cũng rất khó tính. Nó chỉ làm việc khi có môi trường trong lành, sạch sẽ, không hóa chất độc hại”, anh Thiện chia sẻ.

Những “công nhân” sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, được anh Thiện đưa ra ngoài để nghỉ dưỡng, chuẩn bị công việc cho lứa dưa sau.

Dưa lưới có đặc tính khác với các loại dưa khác, một cây chỉ nên để một quả cho thu hoạch. Sau khi ong thụ phấn, cây dưa lưới sẽ có nhiều hoa đậu quả. Muốn dưa ngon, ngọt, dinh dưỡng cao và đạt năng suất, mỗi cây dưa chỉ nên chọn một quả đẹp nhất để nuôi dưỡng.

ADQuảng cáo

Hai năm trồng dưa lưới đã giúp anh Thiện có nhiều kinh nghiệm. Anh nhận thấy, ở Đắk Nông mùa khô trồng dưa năng suất, chất lượng cao hơn mùa mưa. Vì mùa mưa tỉ lệ thụ phấn thấp và dịch bệnh xảy ra trên dưa lưới nhiều.

Mùa mưa, mỗi lứa dưa ra hoa, ong thường phải làm việc tới 5-7 ngày. Trong khi mùa khô, ong chỉ làm việc từ 2-3 ngày mà quả đẹp, phát triển tốt. Do đó, dưa lưới ở Đắk Nông trồng vào mùa khô có vị ngọt và giòn hơn mùa mưa.

Ngoài ra, việc sử dụng ong thụ phấn còn giảm chi phí nhân công lao động. Với vườn dưa lưới của mình, anh Thiện giảm được khoảng 10 công lao động trong mấy ngày thụ phấn cho cây.

Thời gian qua, anh Thiện đã trồng nhiều giống dưa lưới và mới đây trồng giống 787. Theo anh Thiện, dưa lưới khá phù hợp với vùng khí hậu, thời tiết nắng như ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Tuy nhiên, khi trồng dưa lưới ở Kiến Đức và thu hoạch bán cho các thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh cũng được đánh giá tốt. Thời gian đầu, anh Thiện phải xuống các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh để chào hàng, nhưng hiện nay thương lái đã đến tận vườn thu mua.

Giống dưa lưới 787 cho quả ngon, hình dáng đẹp. Dưa 787 có quả nặng từ 1,2-1,5 kg, phù hợp để trưng bày, quà biếu, nên khách hàng ưa thích.

Gia đình anh Thiện trồng 1.500m2 dưa lưới. Sau khi trồng khoảng 75 ngày, dưa bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi lứa, vườn dưa của anh đạt 8 tấn quả/sào. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/lứa. Mỗi năm, gia đình anh trồng 4 lứa dưa lưới, trừ chi phí, anh thu về gần 1 tỷ đồng. 

Thấy anh Thiện có thu nhập cao từ trồng dưa lưới hữu cơ, nên ở thôn 5, xã Kiến Thành đã có hơn 10 hộ trồng theo, với tổng diện tích khoảng 2 ha. Nhiều bà con đang muốn tăng diện tích vì dưa lưới cho thu nhập cao hơn so với các cây trồng như cà phê, tiêu, điều.

Anh Thiện cho biết, thời gian tới, anh sẽ vận động các hộ dân trên địa bàn thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã trồng dưa lưới hữu cơ để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bài bản hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "công nhân" đặc biệt trong nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO