Nâm Blang - “Trái tim của cánh đồng dung nham”

Mỹ Hằng| 16/02/2021 06:08

Công viên địa chất toàn cầu (CVÐCTC) UNESCO Ðắk Nông không chỉ đa dạng sinh học, văn hóa tộc người mà còn độc đáo bởi các hang động núi lửa dài và đẹp bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Các hang động không chỉ có giá trị về địa chất, địa mạo mà còn chứa đựng bao điều kỳ thú, nhất là những giai thoại, truyền thuyết.

ADQuảng cáo

Gần 50 hang động lớn nhỏ

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đi kiểm tra hệ thống hang động núi lửa để xây dựng du lịch CVĐC mới thấy được sự kỳ vĩ mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Vừa đi, bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vừa giới thiệu khá đầy đủ về hệ thống hang động nơi này.

Lịch sử vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước do sự vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa nơi đây vẫn đang còn hoạt động và tạo nên hệ thống hang động vô cùng độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.

Cho tới nay, hệ thống dung nham được tìm thấy trong khu vực CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô) có tổng chiều dài gần 10.000m với gần 50 hang động lớn nhỏ.

Vì vậy, núi lửa Nâm Blang được ví là “trái tim của cánh đồng dung nham” rộng lớn và các hang động bao quanh chính là "mạch máu" của nó bởi sự dày đặc, liên hoàn. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu và đưa vào khai thác du lịch, tỉnh Đắk Nông đã quyết định gọi chung tên các hang C4, C3, C6, C61… là hang C.

Núi lửa Nâm Blang - "trái tim của cánh đồng dung nham" thuộc hệ thống hang động CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Kỳ thú hang Dơi

Chúng tôi tìm đến hang Dơi - một trong những hang động đẹp, được lựa chọn đưa vào khai thác du lịch thuộc núi lửa Nâm Blang. Con đường mòn dẫn đến hang Dơi được kết bằng dung nham núi lửa. Những rong rêu, bụi mờ thời gian đã che phủ lên một lớp áo màu xanh rêu thật mượt mà. Vừa đến cửa hang, một luồng không khí mát lạnh tỏa ra thật dễ chịu. Sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài thể hiện một cách rõ nét.

Trong không gian tĩnh lặng, tối mịt, một chút ánh sáng phát ra từ vách đá như làm tăng thêm sự huyền bí của hang động. Ánh đèn pin yếu ớt nhưng cũng đủ cho thấy sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Thu hút nhất là những tảng đá muôn hình, muôn vẻ, có tảng hình thoi, hình trụ, hình tam giác, có những tảng dài thẳng tắp như những khẩu đại bác khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau.

Trên nền hang, những dải nhũ thạch óng ánh đầy vân, gấp khúc chảy dài từ trên cao xuống nền hang, tạo nên những hình thù kì dị như minh chứng sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Phần giữa hang, vòm động được nâng cao, sâu hút tối om như một cung điện trong huyền thoại mà chưa ai có thể khám phá hết bí mật của nó. Từ trên cao, những hạt nước nhỏ xuống rơi tí tách, đều đặn, nhẹ nhàng, thánh thót, hợp thành âm thanh êm dịu.

ADQuảng cáo

Hệ thống dung nham được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Ảnh: Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông

Theo kết quả nghiên cứu của đoàn chuyên gia Hiệp hội hang động Nhật Bản, hệ thống hang động núi lửa nơi đây rất đặc biệt, cấu trúc miệng hang kiểu mô cầu, bên trong chỉ có dương xỉ mọc nhưng bên ngoài là thảm thực vật khá phong phú, là một giáo cụ trực quan sinh động cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu về địa chất học, đa dạng sinh học.

Truyền thuyết Nâm Blang

Không chỉ độc đáo, có giá trị về mặt địa chất, sự hình thành, ra đời của các hang động núi lửa này hết sức thú vị, mang màu sắc thần thoại. Theo lời kể của những người già ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô), cách đây đã lâu lắm rồi, khi con người còn sống chung với các vị thần linh và ma quỷ, trên vùng cao nguyên rộng lớn này có một bộ tộc tên là Lao Bô chuyên ăn thịt người nên người dân gọi chúng là những “con ma rừng”.

Lúc bấy giờ, người M’nông sinh sống rải rác trong khu vực này. Năm ấy, trời làm hạn hán, sông suối khô cạn, động vật cây cối chết dần và người dân quyết định theo già làng đi tìm vùng đất mới để sống. Một hôm, họ đi tới một con suối cạn, cây cối xác xơ không thấy một  bóng người. Bỗng trên đầu con suối xuất hiện một đám Lao Bô với những cái đầu to như chiếc ché Sa lung, tóc xõa như đám rễ cây Tơm Chri, chúng trợn mắt, nhe những chiếc răng nhọn hoắt lao về phía đoàn người. Một số người vì đói khát và quá sợ hãi không chạy kịp nên bị ăn thịt, số người còn lại cùng già làng chạy về phía đầu nguồn - nơi có cây hoa màu đỏ to nằm án ngữ.

Bầy Lao Bô đuổi tới nơi nhưng chúng không dám lại gần cây hoa màu đỏ. Đêm xuống, dân làng cùng thiếp đi trong mệt mỏi và khiếp sợ. Trong chiêm bao, một nữ thần xinh đẹp trên tay cầm bông hoa đỏ rực hiện ra và nói với già làng rằng: “Ta là thần Blang - nữ thần của các loài hoa, nhiệm vụ của ta là chống lại tà ma, ác quỷ để bảo vệ, che chở cho loài người. Tuy ta đã ngăn chặn được lũ ma rừng nhưng bọn chúng chưa buông tha đâu. Ngươi hãy đưa dân làng tới ngọn núi Nâm Blang, ở đó có cả một rừng hoa Blang là nơi cư trú của các vị thần linh. Nơi đó còn có một ngọn núi lửa đã tạo ra rất nhiều hang động rộng rãi, con người có thể cư trú trong đó và sẽ được các vị thần linh che chở...”.

Già làng bừng tỉnh và vội vã kêu gọi dân làng chạy nhanh về phía núi Nâm Blang. Thấy mọi người tiếp tục chạy trốn, lũ ma rừng lập tức đuổi theo. Bỗng một tiếng nổ vang trời kèm theo những cột khói đen bay mù mịt, một ngọn lửa phun lên từ đỉnh núi Nâm Blang đổ xuống phun trào như ngọn thác lớn đuổi theo lũ ma rừng. Lửa đi đến đâu, bọn ma rừng chết cháy tới đó, còn những người dân vô tội được những cây Blang vươn mình ra ôm trọn tránh lửa.

Thần núi Nâm Blang sau khi phun lửa trừng phạt bộ tộc Lao Bô ăn thịt người đã biến dòng sông lửa đông cứng lại thành rất nhiều hang động để giúp con người có thể ẩn náu trong đó, với các tên gọi hang Chư R’luk, hang Dơi, hang Buôn Choáh… như bây giờ. Từ đó, người M’nông ở khu vực Krông Nô cư trú trong những hang động để tránh mưa nắng, kẻ thù và biết dùng lửa để xua đuổi thú dữ, duy trì sự sống. Và cũng từ đó, họ biết dựng nhà hình vòm như những hang động để ở.

Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, người M’nông ở vùng Krông Nô lại tổ chức Lễ trồng cây Blang, cúng rào bon (Tâm Blang Mprang Bon) để cầu mong thần Blang luôn che chở, ban cho cuộc sống yên bình. Tại lễ cúng, mọi người quây quần nghe già làng kể về sự hình thành ngọn núi Nâm Blang và những gì diễn ra xung quanh nó.

Ngày nay, ngọn núi lửa Nâm Blang vẫn sừng sững song hành cùng cuộc sống của người dân vùng CVĐC. Người M’nông khu vực Krông Nô vẫn truyền tai nhau về câu chuyện hình thành nên hệ thống hang động như minh chứng cho sự tồn tại bất diệt của nữ thần Nâm Blang - vị thần tạo ra hàng loạt hang động núi lửa dài và rộng đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâm Blang - “Trái tim của cánh đồng dung nham”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO