Gắn kết thổ cẩm

Gia Bình| 15/02/2021 06:59

Hỗ trợ giúp nhau nâng cao tay nghề, tăng thêm thu nhập thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, nhóm dệt thổ cẩm là cách làm hay, sáng tạo mà nhiều chị em dân tộc thiểu số ở một số bon làng lựa chọn, góp phần gắn kết, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

ADQuảng cáo

Từ bon Pi Nao

Trong nắng chiều vàng nhạt của những ngày cuối năm, chị H’Yon cùng chị em ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) lại tất bật ngồi bên khung cửi, hoàn thiện những tấm thổ cẩm để giao cho khách theo đơn hàng đã đặt. Tay ai cũng thoăn thoắt luồn những sợi chỉ, khiến tấm thổ cẩm được nối dài thêm ra. Tiếng cười nói rôm rả xen lẫn tiếng khung cửi kẽo kẹt, hòa quyện nghe rất vui tai. Từng họa tiết, nét hoa văn độc đáo của người M’nông dần hiện ra một cách lạ mắt.

Chị H’Noan chia sẻ: “Tôi được bà và mẹ dạy dệt thổ cẩm từ nhỏ nên giờ rất thích dệt, ngày nào chưa ngồi vào khung cửi là thấy khó chịu lắm. Từ ngày tham gia vào tổ hợp tác, một số sản phẩm thổ cẩm do chị em làm ra được nhiều người biết đến và đặt mua. Dù số lượng chưa nhiều nhưng đó là động lực để các chị em cố gắng”.

Chị Thị Đai vui vẻ: “Tôi tham gia tổ hợp tác dệt thổ cẩm gần 1 năm nay rồi và rất vui vì nghề dệt truyền thống của dân tộc được gìn giữ. Đặc biệt, các sản phẩm của tổ hợp tác làm ra được nhiều người biết đến và đặt hàng. Chỉ mong các sản phẩm dệt được nhiều người đón nhận hơn nữa để chúng tôi có thể sống với nghề”.

Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao miệt mài bên khung cửi.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao thành lập vào đầu năm 2020, hiện quy tụ được 14 thành viên và tạo nên môi trường làm việc hăng say, phấn khởi. Sau những ngày lên nương rẫy, các thành viên trong tổ lại chia ra cùng quây quần nhau dệt vải. Qua từng lời chỉ dẫn, góp ý, tay nghề của các thành viên ngày càng được nâng cao.

Chị H’Yon, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao cho biết: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, gắn liền với văn hóa, đời sống của người M'nông. Những năm gần đây, nghề dệt có phần mai một, số chị em biết dệt trong bon làng ngày càng ít đi. Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giúp chị em có thêm thu nhập, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác để cùng nhau kết nối sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường”.

Đến buôn Nui

Với mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, đầu năm 2020, một số chị em dân tộc Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) quyết định thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm và thu hút 25 thành viên tham gia. Người trẻ tuổi nhất là em H’Wun (SN 1993), còn lại các chị lớn tuổi và tay nghề cao.

Hàng ngày, thay vì hoạt động đơn lẻ ở nhà, các thành viên lại tập trung ở nhà văn hóa cộng đồng để cùng làm việc, giúp đỡ nhau nâng cao kỹ thuật, tay nghề. Những chiếc túi xách, ví, vỏ gối, chăn, mền, võng… cứ thế lần lượt ra đời với những nét hoa văn sắc sảo, bắt mắt. Đặc biệt, để thu hút khách hàng, các thành viên đều phải học cách tạo nên hoa văn độc đáo, phối hợp giữa truyền thống và hiện đại, đưa các chất liệu mới như coton, chỉ vào dệt.

Vì vậy, không dừng lại ở những họa tiết đơn giản, hiện nay các sản phẩm thổ cẩm của tổ có thêm nhiều hoa văn mới như hình nhà sàn, con chim, chữ viết... cho phù hợp với thị hiếu của người sử dụng. Những bộ váy áo kiểu dáng hiện đại, chiếc mũ, tấm khăn choàng cổ hay túi xách, ví cầm tay... là những sản phẩm được làm nhiều nhất.

ADQuảng cáo

Sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao.

Nhiều chị em khi mới tham gia chỉ biết dệt đơn giản, chưa biết tạo hoa văn khác lạ nhưng nhờ sự chỉ dẫn, góp ý của các thành viên, nên tay nghề ngày càng được nâng cao. Bà H D’ring, thành viên chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, tôi dệt được 3-4 tấm thổ cẩm, vừa phục vụ gia đình vừa bán cho những ai có nhu cầu. Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 vừa được tổ chức tại TP. Gia Nghĩa mới đây, tổ hợp tác đã bán được kha khá sản phẩm, chủ yếu là khăn choàng cổ và túi xách. Vì làm thủ công nên giá thành hơi cao nhưng mọi người vẫn thích và mua ủng hộ, chúng tôi vui lắm”.

Chị H’Đá, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Nui cho hay: “Các sản phẩm thổ cẩm bán ra lai rai, mỗi tháng cũng được hơn chục tấm. Mỗi khi có khách đặt hàng, tổ phân công, chia sẻ công việc cho từng người, bảo đảm ai cũng có việc làm. Vừa qua đã có khách hàng ở Đà Nẵng, Lâm Đồng đặt một lúc gần 20 tấm thổ cẩm trị giá 35 triệu đồng nên ai cũng vui và cố gắng dệt thật đẹp để giao cho khách.

Dù sản phẩm làm ra chưa nhiều, mối tiêu thụ cũng chưa thực sự ổn định nhưng tổ vẫn vừa kêu gọi thêm nhiều chị em tham gia, nhất là những người trẻ, vừa nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, kết nối với bạn hàng nhằm phát triển hơn nữa nghề dệt truyền thống, để thực sự sống được với nghề”.

Tạo hướng đi mới

Việc thành lập các tổ hợp tác, nhóm liên kết không những tạo hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 tổ hợp tác, 2 tổ liên kết, 4 nhóm dệt và 1 tổ hợp tác xã đan thêu.

Cụ thể như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm người Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa); Tổ hợp tác dệt thổ cẩm người M’nông ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); Tổ hợp tác dệt thổ cẩm người Thái ở thôn Trung Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút); Tổ hợp tác dệt thổ cẩm người Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút); Tổ liên kết dệt thổ cẩm ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức); Tổ liên kết dệt thổ cẩm ở bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil); Nhóm dệt thổ cẩm ở bon Phung, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức); Nhóm dệt thổ cẩm ở bon Đắk Prí, xã Nâm N’đir; Nhóm dệt thổ cẩm ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung và Tổ hợp tác đan thêu Thanh Hằng (Krông Nô).

Nhìn chung, các tổ, nhóm hoạt động ổn định, số chị em biết dệt và tham gia ngày càng tăng với đủ mọi lứa tuổi, có tay nghề cao và có tình yêu sâu nặng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Việc thành lập các tổ, nhóm dệt thổ cẩm góp phần duy trì nghề truyền thống, đem lại thu nhập cho bà con.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong các giải pháp để giữ gìn nghề dệt và phát triển trong đời sống chính là việc ra đời các nhóm, tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Khi tham gia vào nhóm, tổ hợp tác, chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách dệt, cách phối màu, cách làm những bộ trang phục đẹp mắt và tiện dụng nhất.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng hồ sơ khoa học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Di sản cấp quốc gia. Đây cũng là một bước đi giúp hình ảnh thổ cẩm, nghề dệt của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được nhiều người biết đến.

Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương, đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các nhóm, tổ hoạt động, kết nối với các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm; đồng thời hỗ trợ, giúp bà con quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình hoạt động hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO