Việc làm cho thời bình thường mới

Thanh Hằng| 06/02/2022 07:02

Trước những dấu hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch và chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cả người lao động và doanh nghiệp đều kỳ vọng về một năm mới thị trường việc làm nhộn nhịp, sôi động, hoạt động sản xuất hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Một năm khó khăn và biến động vì Covid-19

Giữa tháng 10, anh Nguyễn Công Vinh (23 tuổi) lao động tự do, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) trở về từ TP. HCM sau khi địa phương này nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Khởi nghiệp bằng nghề pha chế cà phê từ đầu năm 2021, thế nhưng dịch bệnh phức tạp, việc kinh doanh của Vinh phải tạm đóng cửa theo quy định. Số tiền đầu tư cho máy móc, thiết bị chưa kịp thu hồi, trong khi nguồn thu nhập hàng ngày cũng không còn, khiến cuộc sống của Vinh khó khăn hơn.

Trở về lại Đắk Nông, Vinh tiếp tục làm việc cho cửa hàng cà phê nơi anh làm trước đây, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa tiếp tục nâng cao tay nghề pha chế của mình. Đối với Vinh, đến những ngày cuối năm, anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện quay lại thành phố sau thời gian căng thẳng vì dịch Covid-19.

Chia sẻ về những ngày tháng khó khăn vừa trải qua, Vinh tâm sự: “Dịch Covid-19 tác động chung đến toàn xã hội chứ không riêng gì tôi. Tuy nhiên, về phương diện cá nhân, năm 2021 vừa qua là một năm đáng để quên nhưng lại khó quên nhất, khi mà nỗ lực khởi nghiệp của bản thân đã bị Covid-19 “ngáng đường””.

Làm nghề xe ôm hơn 10 năm nay, đối với ông Nguyễn Thế Lý (70 tuổi), ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) có lẽ năm 2021 cũng là năm khó khăn nhất. Dịch Covid-19 xảy ra 2 đợt trên địa bàn thành phố khiến ông không thể đi làm trong thời gian giãn cách xã hội. Khi hết dịch, mọi hoạt động trở lại bình thường nhưng công việc của ông vẫn bị ảnh hưởng bởi người dân đi lại hạn chế hơn.

ADQuảng cáo

Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho rằng, trong thời gian qua, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nghề tơ tằm và dệt thổ cẩm. Ít nhiều bị tác động bởi dịch Covid-19, khi một số thị trường tiêu thụ phải đóng cửa, từ đó dẫn đến thu nhập cho người lao động cũng bị ảnh hưởng, bà Liên mong muốn trong năm 2022, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ dành cho các hợp tác xã như của bà.

“Chúng tôi hướng tới mục tiêu tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho người lao động tại các HTX như đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, tư liệu sản xuất… Trong năm 2022, HTX Danofarm mong muốn, sản phẩm của đơn vị sẽ tiếp cận thêm nhiều thị trường, trong đó có cả thị trường quốc tế, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, sản phẩm và văn hóa của Đắk Nông”, bà Tạ Thị Liên chia sẻ suy nghĩ.

Yêu cầu kết nối, nâng chất lượng lao động

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) cho rằng, thiếu hụt lao động đang hiện hữu tại một số tỉnh thành phía Nam khi người lao động trở về quê tránh dịch. Trong khi đó, một số địa phương có nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp thì lại dôi dư, nên dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực.

Để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung phù hợp. Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp nhau trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc.

Dòng người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam (Gia Nghĩa) cho rằng, làn sóng người dân về quê cũng là điều kiện để tỉnh Đắk Nông cải thiện chất lượng nguồn lao động tại chỗ. Bên cạnh việc đào tạo nghề gắn với địa chỉ việc làm thì lao động địa phương cũng cần phải chuyển dịch dần, phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước.

“Trước yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh tế, vấn đề phục hồi và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới sẽ rất đáng được quan tâm. Để làm được điều này, tỉnh cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, đặc biệt là nâng cao trình độ tay nghề của người lao động để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời làm tốt công tác dự báo, kết nối việc làm, từ đó góp phần vào việc ổn định chuỗi cung ứng việc làm hậu Covid-19”, ông Phong chia sẻ thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cho thời bình thường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO