Nông sản Đắk Nông lọt mắt các “ông lớn”

Lê Phước| 04/02/2022 09:12

Trong mắt các “ông lớn” về lĩnh vực tiêu thụ, chế biến nông sản, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông sản. Nếu được kích cầu đúng hướng, Đắk Nông sẽ trở thành vùng nguyên liệu trung tâm của nhiều loại nông sản trong tương lai gần.

ADQuảng cáo

Dấu ấn đầu tiên

Đầu tháng 11/2021, Công ty CP Orivi Highland đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao cho sầu riêng, bơ và chanh leo. Dự án triển khai trên 2,3 ha tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Dự án dự kiến khi hoạt động sẽ góp phần tiêu thụ, chế biến khoảng 60.000 tấn nông sản/năm. Dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 200 lao động thường xuyên và mang lại thu nhập cho nông dân vùng trồng nguyên liệu khoảng 300 - 500 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Orivi Highland, Đắk Nông có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Trong đó, sầu riêng, bơ và chanh leo là những cây mang lại giá trị cao trên cùng một diện tích canh tác. Trước đây, doanh nghiệp đã đặt cơ sở chế biến tại Đắk R’lấp. Nhưng do đường sá đi lại quá khó khăn nên dù có lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn phải dời đi.

Được sự kêu gọi của tỉnh, năm 2020, lãnh đạo Công ty CP Orivi Highland trở lại Đắk Nông và cảm nhận sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này. Đắk Nông gần với TP. Hồ Chí Minh và giao thông đi lại đã thuận tiện hơn. Đất đai vẫn trù phú và khí hậu vẫn khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Điểm khác biệt nữa mà Orivi Highland cảm nhận là Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đến với tỉnh.

“Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ chúng tôi tháo gỡ những khó khăn để hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án. Để đáp lại chân tình ấy, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động trước 12/5/2022, đúng 1 năm công ty đặt chân lên Đắk Nông và kịp thời thu mua nông sản của bà con trong vụ mùa sắp tới”, ông Kiên khẳng định.

Công ty CP Orivi Highland khởi công dự án chế biến sầu riêng, bơ và chanh leo quy mô 60.000 tấn/năm tại Gia Nghĩa

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, Công ty CP Orivi Highland là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn vào tỉnh. Công suất chế biến của nhà máy khoảng 60.000 tấn/năm, là con số khiêm tốn với các doanh nghiệp khác và sản lượng nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, con số này là điều mà Đắk Nông mơ ước từ lâu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết.

“Sau khi đi vào hoạt động, chúng tôi mong doanh nghiệp tạo được sự liên kết với chính quyền, người dân để cùng nhau đạt được lợi ích cao nhất. Tỉnh cũng mong Orivi Highland đồng hành với tỉnh kêu gọi thêm các đối tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Nông”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

ADQuảng cáo

Nỗ lực hiện thực hóa ước mơ

Dự án chế biến nông sản của Công ty CP Orivi Highland là dự án đầu tiên được khởi công sau khi Đắk Nông tổ chức chương trình “Khát vọng Đắk Nông” ngày 13/10.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, Đắk Nông đã nỗ lực tổ chức một chương trình thể hiện tinh thần cầu thị và khát vọng, quyết tâm kêu gọi đầu tư đến với tỉnh.

Sau nhiều ngày khảo sát thực địa, bà Đặng Thị Uyên Linh, Giám đốc Công ty TNHH Trung Minh Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Đắk Nông có rất nhiều lợi thế để phát triển các loại nông sản, đặc biệt là cây ăn quả.

Trong đó, điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu cho phép Đắk Nông có thể đa dạng gần như tất cả các loại cây có giá trị cao như sầu riêng, bơ, chanh leo, mắc ca… Chính vì vậy, Trung Minh Thành quyết định đến Đắk Nông đầu tư xây dựng khu sản xuất, chế biến nông sản trong thời gian tới.

Theo bà Uyên Linh, chiến lược của Trung Minh Thành khi đầu tư tại Đắk Nông là thử nghiệm chiến lược phát triển quy mô lớn trong tương lai. Mục tiêu đầu tiên của khu sản xuất, chế biến nông sản là nhằm góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân và tạo việc làm cho lao động địa phương. Công ty cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Đắk Nông qua các kênh phân phối, các sàn thương mại điện tử, xuất khẩu…

Cùng quan điểm như bà Linh, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) cũng cho rằng Đắk Nông có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển rau, củ, quả.

Trong đó, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu và quỹ đất rộng là những lợi thế thể hiện rõ nét nhất. Nếu đầu tư bài bản, liên kết chặt chẽ thì trong khoảng 5 - 10 năm nữa, Đắk Nông có thể trở thành trung tâm rau, củ, quả của toàn quốc.

Sầu riêng (ảnh nhỏ) và bơ Đắk Nông (ảnh lớn) có chất lượng cao được các “ông lớn” đánh giá cao và hứa hẹn những tín hiệu tích cực trong tương lai

“Để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cần có sự liên kết chặt chẽ của các bên tham gia. Chúng tôi rất mong qua thời gian dịch này, lãnh đạo tỉnh sẽ cho chúng tôi vào nghiên cứu, khảo sát và triển khai hợp tác một cách sâu rộng hơn”, ông Nghĩa chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Đắk Nông là rất to lớn, đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Điều này đã được nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định.

Thời gian tới, Đắk Nông quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi nhiều “ông lớn” đến đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản tại tỉnh. Đắk Nông quyết tâm từng bước hiện thực hóa ước mơ, khát vọng khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông lọt mắt các “ông lớn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO