Làm tốt hơn nữa lời hứa với Bác!

Hoàng Hoài| 20/01/2020 11:56

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương làm theo Bác với những cách làm thiết thực, cụ thể, mà biểu hiện rõ nhất là tinh thần, ý thức chăm lo đời sống Nhân dân, vì dân phục vụ.

ADQuảng cáo

Ai khó khăn thì đều giúp đỡ ít nhiều

Năm 2008, ông Nguyễn Văn Phượng từ Thái Nguyên vào thôn 5, xã Cư K’nia (Cư Jút) lập nghiệp. Khi mới đến vùng đất mới, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nhưng được sự yêu thương, đùm bọc của bà con làng xóm, ông Phượng từng bước khắc phục, nỗ lực gầy dựng cuộc sống. Ban đầu đất đai ít, vốn không có nên hễ ai kêu làm gì chính đáng, vợ chồng ông đều không ngại khó, ngại khổ để làm.

Ông Nguyễn Văn Phượng (bên phải) luôn nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh để có điều kiện giúp đỡ những người còn khó khăn

Năm 2009, ông nhận thấy, nếu làm thuê mãi thì không biết khi nào mới vươn lên được, nên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất và buôn bán vật liệu xây dựng. Với việc vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm những người đi trước nên công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình thuận lợi, có tích lũy để tái đầu tư và mở rộng quy mô. Sau hơn 10 năm vào vùng đất mới lập nghiệp, đến nay ông đã có 10 ha đất trồng cây lâu năm và một đại lý chuyên cung cấp vật liệu xây dựng với thu nhập mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Điều đáng trân trọng ở ông Phượng đó chính là tấm lòng nhân ái, luôn nghĩ cho những người khó khăn. Ông tâm sự, trước đây khổ cực được nhiều người giúp đỡ, nay khá hơn, ông lại có cơ hội để giúp đỡ người nghèo. Hiện nay, khi các hộ nghèo trong vùng không có tiền vốn sản xuất, ông sẵn sàng cho vay không lấy lãi trên 600 triệu đồng. Hộ nào khó khăn đột xuất hay ốm đau bệnh tật cũng tìm đến, xem ông như “phao cứu sinh”.

Ông Phượng cho biết: “Ai khó khăn thì tôi đều giúp đỡ ít nhiều dựa vào khả năng của mình. Một khi cho bà con vay, tôi đều không giới hạn thời gian, khi nào có thì trả. Với hộ vay năm ba triệu thì cuối vụ thu hoạch họ đều mang đến trả. Hộ vay nhiều hơn để phát triển sản xuất thì tôi cho trả góp theo tháng hoặc năm”.

Ngoài ra, trong các phong trào của địa phương, nhất là nông thôn mới, ông Phượng hưởng ứng bằng cách hỗ trợ tiền làm đường giao thông. Hộ khó khăn về nhà ở, ông tặng quà, hỗ trợ bằng vật liệu xây dựng, khi nào có tiền thì trả.

Luôn suy nghĩ, chăm lo đời sống hội viên

Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đắk D’rông (Cư Jút), ông Đỗ Quang Diên luôn trăn trở tìm mọi cách để chăm lo đời sống, nhất là giảm số hộ nghèo một cách bền vững. Vì vậy, mặc dù việc nhà bận rộn nhưng ông vẫn dành phần lớn thời gian để gặp gỡ, nói chuyện cho cán bộ, hội viên hiểu về tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế cũng như tấm lòng sẻ chia, biết sống vì nhau.

Ông Diên cho biết: Tôi luôn tâm niệm, một khi được giao việc gì thì khó khăn mấy cũng phải làm và làm hiệu quả. Bởi mình là người đứng đầu của tổ chức hội, nếu làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người và hơn trên hết là mất niềm tin với đồng đội của mình. Để làm tốt công việc, tôi luôn đặt lợi ích của hội viên lên trước, việc gì hội viên chưa thuận thì sẵn sàng lắng nghe, giải thích cặn kẽ... Nhờ đó, cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong xã luôn đoàn kết, gương mẫu, tiên phong trên mọi lĩnh vực.

ADQuảng cáo

Điển hình, trong công tác giảm nghèo, hội viên đóng góp 50.000 đồng/năm/người để mua bò giống tặng hội viên nghèo. Bởi theo ông Diên, tiền bao nhiêu cũng hết nên trao cho họ cái “cần câu” tốt hơn là trao “con cá” để họ biết mà cố gắng vươn lên. Từ đóng góp của hội viên, đến nay toàn hội đã chuyển giao được 4 con bò giống cho 4 hộ cựu chiến binh nghèo. Từ khi giao bò đến nay, đều đặn hàng tuần, ông Diên đều đến tận nhà hội viên hoặc gọi điện để nắm bắt về tình hình chăn nuôi bò, đồng thời giao cho chi hội cựu chiến binh thôn trực tiếp phải đến từng gia đình để kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, ông Diên còn vận động hội viên giúp nhau về cây con giống, vật tư phân bón, ngày công, động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, toàn hội hiện có 387 hội viên thì chỉ còn 5 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo.

Qua thực tế từ những gương điển hình, mô hình hay, việc học Bác là học những điều bình dị nhất, học từ những lời nói cho đến hành động và Bác mong chúng ta hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì cố gắng mà làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Phát huy dân chủ trong dân

Đến thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) hỏi ông Phạm Quang Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ai cũng biết. Bởi nhiều năm làm cán bộ thôn, ông luôn nhắc nhở bản thân phải tin dân, dựa vào dân để hoạt động. Theo ông, để dân tin thì việc đầu tiên là phát huy dân chủ trong dân, mọi việc dân cùng biết, cùng bàn, cùng làm, cùng kiểm tra, giám sát và hưởng lợi.

Như trong làm đường giao thông, ông đã kiên trì, vận động giải thích và gặp gỡ phân tích cho bà con hiểu về giá trị của việc làm đường. Người nào chưa hiểu, ông kiên nhẫn vận động đến khi thấm thì mới làm. Nhờ sự kiên trì đó, đến nay, thôn 8 đã làm được 6 km đường bê tông, nâng cấp 1,4 km đường cấp phối, mắc hệ thống điện chiếu sáng dài 1,7 km, sửa sang khuôn viên hội trường rộng 480m2...

Ông Hùng cho biết: Công việc của chúng tôi nếu tính làm theo giờ hành chính thì không biết bao giờ mới xong. Hầu hết các công việc tôi làm đều liên quan trực tiếp đến người dân, nên đòi hỏi phải sâu sát, lắng nghe ý kiến của dân rồi mới ban hành kế hoạch. Chưa kể, trong quá trình huy động đóng góp, chúng tôi đều vận động cán bộ, đảng viên làm trước nêu gương. Còn đối với người dân, nếu khoản nào có thể thu nhiều lần thì chúng tôi chia ra để bà con bớt đi nỗi lo.

Như trong sửa chữa hội trường thôn và sắm sửa cơ sở vật chất, thôn 8 làm từ từ, xem cái gì cần mua trước thì ưu tiên, cái nào chưa thì để lại sau. Mỗi hộ đóng 750.000 đồng sửa chữa hội trường thì chia làm 2 lần đóng. Với những hộ nghèo, ông thường xuyên động viên, cổ vũ bà con cố gắng hơn trong lao động sản xuất cũng như ưu tiên hỗ trợ con giống, làm nhà tình thương… để từng bước thoát nghèo.

Học và làm theo Bác có sức lan tỏa sâu rộng

Theo đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, toàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực. Học Bác là học những điều bình dị nhất, học từ những lời nói cho đến hành động và Bác mong chúng ta hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì cố gắng mà làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Thời gian tới, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải làm tốt hơn nữa, xem đây là một lời hứa đối với Bác. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cần đưa nội dung sinh hoạt chuyên đề năm 2019 và những năm tiếp theo vào sinh hoạt định kỳ, tổ chức xây dựng đúng kế hoạch đăng ký học tập và làm theo thiết thực, hiệu quả. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05 gắn với các nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước, các cấp, ngành, địa phương cần chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy định số 55 của Bộ Chính trị về một số việc làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Nhân dân cần phát huy vai trò giám sát, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, nhất là nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong học và làm theo Bác cần được chú trọng hơn nữa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt hơn nữa lời hứa với Bác!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO