Bác Hồ với những hoạt động nổi bật trong các năm Tý

Mai Mộng Tưởng| 20/01/2020 12:06

Năm Giáp Tý 1924, bằng tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc ngoại bang thống trị nước nhà, đàn áp, bóc lột tàn bạo Nhân dân ta, Bác Hồ đã viết bài báo nhan đề "Tình cảnh nông dân An Nam", với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo La Vie Ouvrière tại Pháp, ngày 4/1/1924. Qua đó, Người lên án trước thế giới về sự dã man tàn bạo của thực dân xâm lược Pháp và quan lại bù nhìn bản xứ tại An Nam, bài báo có đoạn: “…Các quan cai trị lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng… ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin. Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả các chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối, rằng người An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”.

ADQuảng cáo

Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh tư liệu

Vốn tự nhận mình là học trò của Lênin nên khi Lênin mất, Bác Hồ đã có bài viết với tựa đề Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Pravđa, tiếng Nga, ngày 27/1/1924 để ca ngợi công ơn to lớn và tỏ lòng thương tiếc người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới, bài báo có đoạn viết: “…Họ còn được biết rằng người lãnh đạo vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi…”. Điều đó cho thấy Bác Hồ luôn học tập tinh thần quốc tế vô sản ở các bậc tiền bối của phong trào cộng sản quốc tế. Thể hiện trong thời gian bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, bên cạnh việc đấu tranh để đòi độc lập dân tộc cho nước nhà, Người không quên ủng hộ cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do của các nước đang bị bọn ngoại bang xâm lược đô hộ.

Ngày 19/3/1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Đông Dương và Thái Bình Dương, đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 18 để tiếp tục lên án bọn thực dân, đế quốc, Người viết: “…Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ gây cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn gây cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa. Nhật Bản chỉ huy các trạm điện báo ở đảo Yáp. Mỹ chi tiêu hàng bao nhiêu triệu đôla để cải tiến các ổ súng đại bác trên các tàu chiến ở Thái Bình Dương. Anh sắp biến Xanhgapo thành một căn cứ hải quân. Pháp thấy cần phải thiết lập một hệ thống thuộc địa ở Thái Bình Dương…”. Điểm một vài nét như trên để thấy hầu như cả năm Canh Tý 1924, trong điều kiện chưa thành lập Đảng của những người cộng sản yêu nước Việt Nam, Bác Hồ đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình để viết nhiều bài báo rất có giá trị trong đấu tranh đòi độc lập tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho Nhân dân ta, kể cả đấu tranh vì các nước bị đô hộ trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Năm Mậu Tý 1948, do sự lật lọng của thực dân Pháp, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đã tiếp tục cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Với tinh thần lạc quan cách mạng, kịp thời động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước, đầu Xuân Mậu Tý 1948 Bác Hồ đã viết bài thơ chúc Tết Mậu Tý, nội dung như sau:

Năm Hợi đã đi qua,

Năm Tý vừa bước tới.

Gửi lời chúc đồng bào,

Kháng chiến được thắng lợi;

ADQuảng cáo

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng;

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

Bác Hồ là lãnh tụ hết sức quan tâm chăm lo các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.

Năm 1948, Bác Hồ viết LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (viết ngày 11/6/1948). Sau này Đảng, Nhà nước ta đã lấy ngày 11/6 hằng năm làm ngày truyền thống thi đua yêu nước để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước ra sức thi đua thể hiện tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa.

Bác Hồ đã viết LỜI KÊU GỌI NHÂN NGÀY 27/7/1948, đăng trên Báo Du kích, số 5 ngày 15/7/1948, có đoạn: “…số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn chặn nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào… Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống…”. Và ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, cống hiến xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no hạnh phúc của Nhân dân.

Năm Canh Tý 1960 với những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như: Kỷ niệm Đảng ta tròn 30 tuổi (3/2/1930 – 3/2/1960), Kỷ niệm 70 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/1960), Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 5 đến 10/9/1960 diễn ra tại Hà Nội), Kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (2/9/1945 – 2/9/1960), với trọng trách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác Hồ đã dồn hết tâm trí vào các hoạt động đối nội, đối ngoại nhằm nâng cao vị thế chính trị của nước Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra một dấu ấn đặc biệt trong cái nhìn khâm phục của bầu bạn năm châu bốn bể. Mở ra một trang mới trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, đưa cả nước cùng tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với những hoạt động nổi bật trong các năm Tý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO