Xây dựng nông thôn mới ở xã Tâm Thắng: Khi đồng bào không trông chờ, ỷ lại

Nguyễn Lương| 30/11/2016 10:29

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đồng bào dân tộc tại chỗ trên địa bàn xã Tâm Thắng (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã nhận thức rõ lợi ích, trách nhiệm trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung lao động, sản xuất nâng cao đời sống vật chất, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê đạt năng suất hơn 3 tấn/ha của gia đình ông Y Xoan, buôn Trum, xã Tâm Thắng (Chư Jút)

Xã Tâm Thắng có hơn 860 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% tổng dân số toàn xã. Xác định rõ vai trò nòng cốt của nhân dân, nhất là các hộ đồng bào trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa, từ đó, vận động bà con cùng chung sức xây dựng chương trình này.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng khẳng định: “Quá trình vận động đồng bào dân tộc ở xã tham gia xây dựng nông thôn mới phải nói là gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tới tận nhà người dân để tuyên truyền cho bà con hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó, mới vận động họ cùng làm theo”.

Một trong những lĩnh vực mà địa phương chú trọng là vận động bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều giống cà phê mới như TR4, TR5 được người dân đưa vào thâm canh.

Các mô hình chăn nuôi heo, bò sinh sản mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng trở lên đã được các hộ mạnh dạn đầu tư, từng bước cải thiện đời sống. Đến nay, mức thu nhập bình quân trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gần 20 triệu đồng/người/năm.

Buôn Trum là một trong những địa bàn thực hiện khá hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn buôn hiện có 84 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, trong đó, hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Những năm trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Đầu năm 2011, khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban tự quản buôn đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phù hợp.

ADQuảng cáo

Ông Y Sinh, Trưởng buôn Trum chia sẻ: “Nói thì dễ, nhưng khi vận động bà con thay đổi nhận thức mới khó, nhất là trong công tác vận động người dân thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”.

Cũng theo Trưởng buôn Y Sinh, để từng bước thay đổi nhận thức của bà con, chính ông đã kiên trì gặp gỡ, phân tích cho người dân hiểu rõ việc xây dựng nông thôn mới là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.  Đối với quá trình sản xuất, từng bước vận động bà con  đưa những giống cây, con mới, cũng như áp dụng cách chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả.

Để bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, buôn đã vận động bà con phải giữ vệ sinh chung, di chuyển chuồng trại ra khỏi gầm sàn. Riêng việc làm các công trình hạ tầng, Ban tự quản buôn giải thích rõ là nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân hiến đất, đóng góp ngày công…

Từ cách thức tuyên truyền, vận động, đến nay buôn Trum đã thực hiện di dời ra khỏi gầm sàn và làm mới gần 100 chuồng trại gia súc, nhiều giống cà phê mới được bà con đưa vào thâm canh có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, đến nay còn 11%, giảm 3% so với năm 2015.

Ông Y’Xoan, một người dân trong buôn chia sẻ: “Đối với gia đình tôi, sau khi được vận động, tôi đã chuyển đổi gần 1 ha cà phê già cỗi sang trồng giống mới TR4. Các khâu chăm sóc, phòng bệnh trên cà phê cũng được gia đình áp dụng đúng quy trình, thời gian. Nhờ đó, năm nay, vườn cà phê đạt năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha, tăng gần 1,2 tấn/ha so với năm 2013. Thu nhập cải thiện, gia đình tôi lại có điều kiện để xây dựng đời sống tinh thần thêm ý nghĩa”.

Ông Trần Thế Quang cho biết: Ngoài tiêu chí nâng cao thu nhập, xã đã vận động bà con hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng nhiều km đường giao thông nông thôn. Công tác giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn bản sắc văn hóa… cũng được địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân. Nhờ đó, năm 2011 xã mới đạt được 4 tiêu chí nhưng đến nay đã đạt 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn chỉ còn 12%, giảm 2% so với năm 2015. 
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới ở xã Tâm Thắng: Khi đồng bào không trông chờ, ỷ lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO