Xây dựng nông thôn mới 2016-2020: Đến năm 2020 phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Hồng Thoan thực hiện| 06/01/2016 09:26

Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tỉnh đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh về những mục tiêu, kế hoạch, cùng giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

ADQuảng cáo

Bộ mặt nông thôn xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) ngày càng khởi sắc. Ảnh: H.T

PV: Trước hết, ông có thể cho biết về kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011- 2015?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Có thể nói, 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hàng năm, số lượng tiêu chí đạt của các xã có xu hướng tăng dần, đến nay bình quân chung toàn tỉnh đạt 9,3 tiêu chí/xã, tăng so với năm 2011 là 6,2 tiêu chí/xã.

Toàn tỉnh có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 37 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Kết quả này đã cho thấy bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững chắc, an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững, thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao hơn…

PV: Vậy giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt được những mục tiêu chính nào, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Thứ nhất, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29,5%; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên và có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cụ thể, 100% xã rà soát điều chỉnh lại quy hoạch chung; 20 xã đạt tiêu chí về giao thông; 35 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 48 xã đạt tiêu chí về điện; 25 xã đạt tiêu chí về trường học; có 18 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 40 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; 61/61 xã đạt tiêu chí về bưu điện; 20/61 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.

Thứ hai, về chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 61 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 57 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 61 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

Thứ ba là nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 61 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội.

ADQuảng cáo

PV: Để đạt được mục tiêu này, xin ông cho biết giải pháp chính mà các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Qua thực tiễn tại cơ sở đã cho thấy, trước hết, các ngành, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hình thức, nội dung tuyên truyền phải đổi mới, đa dạng, phù hợp để xác định công cuộc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với đó, các cấp, ngành cũng phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Làm được điều này thì toàn tỉnh sẽ huy động được mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho nông thôn mới. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức từ tỉnh, huyện, xã phải thực hiện phân cấp mạnh, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng trong tổ chức thực hiện. Công tác củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh xuống thôn, bon cũng được coi là bước đột phá, nhất là ở cấp xã, thôn nơi trực tiếp diễn ra quá trình nông thôn mới...

PV: Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, vậy để thực hiện tiêu chí này cần được triển khai như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục củng cố và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn. Cụ thể là tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Bên cạnh đó, bằng những phương thức khác nhau, ngành chức năng, các huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.

Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thiện xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến, xây dựng mô hình mẫu với từng ngành để nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp...

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới 2016-2020: Đến năm 2020 phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO