Trăn trở với câu chuyện đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp

P.V| 02/07/2015 09:28

Sau gần 10 năm triển khai chương trình mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, mặc dù đã có một vài thành tựu ở các lĩnh vực, công trình, sản phẩm... nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành được một nền công nghệ sinh học như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, kết quả chưa tạo được tính vượt trội, hầu như mới chỉ nhen nhóm, nhỏ lẻ...

ADQuảng cáo

Trên đây là đánh giá tổng kết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Cao Đức Phát trong hội nghị về phát triển và nghiên cứu ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu vào thị trường thế giới với các hiệp định tự do thương mại sẽ được áp dụng ngay trong năm 2015-2016, đòi hỏi phải có một cuộc bứt phá bằng áp dụng công nghệ sinh học để biến thách thức thành cơ hội, giúp nông sản Việt Nam không chỉ đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại ngay trên “sân nhà” mà còn phải chinh phục ngày càng nhiều thị trường xuất khẩu, để sống còn và không bị thụt lùi. “Đó không chỉ là ước vọng mà là mệnh lệnh cho ngành nông nghiệp vì mục tiêu lâu dài” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam vẫn chỉ như một bức tranh đang vẽ dở. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT cho rằng nguyên nhân là do lâu nay cách làm của chúng ta vẫn chủ yếu nặng và trông đợi vào cơ chế chính sách, Nhà nước đầu tư bao nhiêu thì làm mà chưa chuyển sang cách làm sáng tạo và hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Tại hội nghị, nhiều nhà quản lý và nhà khoa học cho rằng, cũng cần nhìn nhận thực tế là mức đầu tư của Nhà nước cho chiến lược ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp thời gian qua còn quá ít. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN và MT (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết, mặc dù theo quyết định năm 2005 về đầu tư cho công nghệ sinh học của Chính phủ, mỗi năm sẽ dành 100 tỷ đồng cho đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng nhưng đến nay, sau một thập kỷ chỉ có hơn 500 tỷ đồng được đầu tư với 214 đề tài ra đời, tính ra mỗi đề tài chỉ có chừng 2 tỷ đồng, bao gồm cả việc đưa các chuyên gia đi đào tạo về công nghệ sinh học ở nước ngoài.

Để chủ động tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ, đến nay chúng ta đã đưa hơn 250 chuyên gia cùng 1.500 cán bộ đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, hiện 69 chuyên gia đã về làm việc nhưng so với gần 100 triệu dân không phải là nhiều.

Trăn trở với câu chuyện cách nào đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đặc biệt là về công nghệ sinh học, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT một lần nữa nhấn mạnh rằng cần phải đầu tư mạnh hơn cho khâu nghiên cứu khoa học, tạo ra một lớp chuyên gia trẻ năng động để rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như thế giới. Cần từ bỏ tư duy chỉ trông đợi vào đầu tư của Nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phải thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với nhà khoa học để xã hội hóa đầu tư. Nếu là công trình Nhà nước đầu tư thì phải “đặt hàng” và trao trách nhiệm cho nhà khoa học, đề tài làm ra phải có ứng dụng thực tiễn chứ không chỉ để báo cáo rồi cất ngăn kéo. Mục tiêu giai đoạn 2015-2030 là phải mở hướng chính sách, thu hút doanh nghiệp để tạo đất dụng võ cho nông nghiệp chứ không phải “chia đề tài”. Đặc biệt cần phải đi tắt đón đầu bằng việc thu hút công nghệ của các nước thông qua các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ sinh học để rút ngắn quy trình ứng dụng, tiết kiệm đầu tư và chất xám.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở với câu chuyện đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO