Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Những kinh nghiệm từ huyện Đắk R’lấp

Kim Ngân| 19/09/2016 09:16

Vào năm 2011, khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xuất phát điểm của các xã ở huyện Đắk R’lấp chỉ đạt từ 3-5 tiêu chí. Nhưng sau 5 năm triển khai chương trình, huyện đã có 9 xã đạt từ 10-16 tiêu chí và 1 xã đạt chuẩn NTM. Đây là nỗ lực đáng khích lệ và cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm.

ADQuảng cáo

Nhiều ngôi nhà ở bon Bu Sê Rê 1, xã Đắk Ru được xây dựng khang trang, đường bon sạch sẽ, 70% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ảnh: Minh Huyền

Nhớ lại những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, ông Phạm Quang Vượng, Phó Chánh Văn phòng điều phối, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Đắk R’lấp cho rằng, thời gian đầu là thời điểm khó khăn nhất. Vì phần lớn cán bộ và người dân còn mơ hồ chưa hiểu về chương trình này.

Tuy nhiên, để vượt qua được thời điểm đó, địa phương đã nhất trí, đồng lòng vận dụng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, nhất là tích cực tuyên truyền vận động để cán bộ, quần chúng hiểu được ý nghĩa của chương trình.

Điểm nhấn quan trọng là bắt đầu từ năm 2012, UBND huyện đã phát động phong trào ra quân đầu xuân với các chuyên đề về an toàn giao thông và toàn dân chung tay xây dựng NTM. Để chương trình đi vào cuộc sống, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện tích cực chuyển tải các nội dung về xây dựng NTM đến với quần chúng nhân dân một cách cô đọng, dễ hiểu nhất.

Còn các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên thì phát động phong trào trồng cây xanh, tổ chức các cuộc giao lưu bóng đá, văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm văn nghệ về xây dựng NTM, hướng dẫn các xã thành lập các tổ nhóm thanh niên lập nghiệp; Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động phong trào phụ nữ giúp nhau phát tiển kinh tế hộ gia đình; Hội Người cao tuổi thực hiện phong trào tuổi cao gương sáng…

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân. Đó là cán bộ thì tích cực, năng động, tâm huyết, còn ý thức người dân ngày càng được nâng cao, không còn trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn của nhà nước mà nhiệt tình tham gia hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng NTM.

ADQuảng cáo

Theo đó, thời gian qua, tổng vốn huy động của địa phương đạt trên 1.628 tỷ đồng. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng thì Đắk R’lấp đã huy động vốn từ doanh nghiệp được 176,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 840,2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất như: Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới nhà ở, làm đường giao thông, chợ, trường học…

Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện thì ngoài việc huy động nguồn lực xây cơ sở hạ tầng, một điểm nổi bật khác là huy động vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ để phấn đấu hoàn thành tiêu chí về chợ nông thôn. Đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho 3 chợ là Nhân Cơ, Nhân Đạo và Quảng Tín.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng luôn chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm như: Hợp tác xã Đồng Tiến phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất giống chất lượng cao, doanh thu hằng năm đạt 25 tỷ đồng; Công ty TNHH Nông sản Hương Quế liên kết với nông hộ để sản xuất tiêu sạch, sinh thái nhằm mục đích đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thay đổi tư duy, nhận thức trong việc tổ chức canh tác cho các hộ dân nhằm gia tăng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm... Từ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn 6,1% năm 2015, các hộ khá, giàu tăng lên, khoảng cách giàu nghèo từng bước được thu hẹp.

Trao đổi về bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM tại địa phương, ông Phạm Quang Vượng cho hay: “Để thực hiện chương trình này có kết quả tốt, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, nhất là sự phối hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo huyện, ban quản lý các xã và ban phát triển thôn, bon cùng sự đồng thuận của nhân dân”.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã kết hợp tốt với các chức sắc tôn giáo trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tôn giáo tham gia đóng góp vào xây dựng NTM. Công tác đào tạo, tập huấn luôn được địa phương tổ chức thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, việc gắn phát triển kinh tế với xây dựng NTM, chú trọng phương châm “dễ là trước, khó làm sau” luôn được chú trọng. Đồng thời, vấn đề cụ thể hóa việc gì phải làm, lộ trình bước đi, ai làm và làm thư thế nào luôn được địa phương cân nhắc.

Có thể nói, xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn như phải hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy, mọi việc làm phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt vai trò của cộng đồng với nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, tránh tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích. Đó chính là mấu chốt vấn đề để Đắk R’lấp thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Những kinh nghiệm từ huyện Đắk R’lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO