Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn: Đang gặp nhiều khó khăn về vốn

Đức Diệu| 08/08/2014 09:23

Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong những năm qua, phong trào kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình của tỉnh đề ra.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trái ngược với nhu cầu rất cao trong nhân dân, nguồn vốn hàng năm từ phía Nhà nước phân bổ cho chương trình này lại rất “khiêm tốn” khiến nhiều dự án đang rơi vào tình trạng chờ kinh phí.

Nhiều tuyến đường nông thôn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) người dân phải chịu cảnh lầy lội vào mùa mưa do chưa có vốn đầu tư

Tại huyện Đắk Song, trong năm 2012, địa phương có nhu cầu đăng ký 31 tỷ đồng từ phía Nhà nước cùng với kinh phí đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Nhu cầu trên đã được phê duyệt và địa phương đã triển khai thực hiện.

Đến nay, mặc dù đa phần người dân đã đóng góp kinh phí theo tỷ lệ quy định trên cơ sở nhu cầu đăng ký nhưng số tiền phân bổ về mới chỉ được 21 tỷ đồng. Hiện nay, huyện còn 13 công trình với số vốn 12 tỷ đồng theo tỷ lệ quy định chưa được bố trí. Sang năm 2013, toàn huyện đăng ký 59 dự án xây dựng đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng kinh phí dự toán khoảng gần 78 tỷ đồng, trong đó gần 53 tỷ đồng là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, số còn lại là người dân đóng góp.

Trên cơ sở nguồn vốn thực tiễn, huyện được tỉnh xét duyệt nguồn vốn cho chương trình này là gần 52 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ là 35 tỷ đồng, số còn lại nhân dân đóng góp. Thế nhưng, đến nay, huyện mới chỉ được phân bổ 19 tỷ đồng, số còn lại vẫn chưa được bố trí.

Không riêng gì huyện Đắk Song, thực tế hiện nay nhu cầu đăng ký xây dựng đường giao thông nông thôn từ phía người dân trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn. Thế nhưng, hầu hết địa phương nào cũng đang rơi vào thế bí là nhân dân thì sẵn sàng đóng góp tiền để làm đường còn chính quyền thì lại đang mong mỏi chờ được phân bổ vốn để triển khai nhưng chưa được đáp ứng.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, trên cơ sở nhu cầu đăng ký và quyết định ghi vốn hàng năm, mặc dù chưa được phân bổ vốn nhưng để sẵn sàng triển khai dự án sau khi có nguồn vốn phân bổ, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động đóng tiền theo tỷ lệ quy định.

Theo Sở Tài chính thì ngoài một số trục trặc do lỗi quy trình đăng ký vốn từ các địa phương thì nguyên nhân của việc nhiều dự án giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm chưa được bố trí vốn là do số vốn được phân bổ hàng năm từ phía Trung ương cho tỉnh rất ít. Cụ thể, đây là nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất từ Trung ương phân bổ hàng năm.

Dựa trên nhu cầu đăng ký vốn từ các huyện, thị xã, tỉnh xây dựng phương án, đề xuất vốn với Chính phủ nhưng phân bổ bao nhiêu thì tỉnh không chủ động được mà phụ thuộc vào cân đối, bố trí của Trung ương. Điển hình như trong năm 2014, nhu cầu đăng ký của các địa phương trên địa bàn tỉnh để xây dựng giao thông nông thôn là 720 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, xem xét, UBND tỉnh đã đề xuất Trung ương phân bổ 300 tỷ đồng cho chương trình này. Thế nhưng, con số mà Trung ương phân bổ cũng chỉ được 90 tỷ đồng, chưa đạt 1/3 nhu cầu đăng ký của tỉnh chứ chưa nói đến nhu cầu đăng ký của các địa phương. Được biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong số 90 tỷ đồng được phân bổ, tỉnh sẽ dùng khoảng 60 tỷ đồng để đầu tư từ 1 đến 2 km đường nhựa tại các bon, buôn khó khăn trên địa bàn.

Vì thế, nguồn vốn để bố trí cho chương trình xây dựng giao thông nông thôn theo nhu cầu đăng ký trong năm của toàn tỉnh cũng chỉ được 30 tỷ đồng. Chưa nói đến triển khai dự án mới theo nhu cầu đăng ký trong năm, cho dù số vốn trên được ưu tiên phân bổ cho các dự án đã triển khai trước đây nhưng chưa được bố trí vốn cũng khó mà đủ được.

Rõ ràng, chủ trương hỗ trợ kinh phí cùng người dân xây dựng đường giao thông nông thôn của tỉnh đang đáp ứng được đúng nguyện vọng của người  dân. Vì vậy, ngoài việc linh động trong điều hành nguồn vốn cũng như tiếp tục đề xuất tăng nguồn vốn bổ sung từ phía Trung ương, thì việc soát xét, lựa chọn những dự án thực sự cần thiết dựa trên tính cấp thiết, khả năng đóng góp vốn đối ứng và kinh phí thực tế phân bổ hàng năm để đăng ký, triển khai là rất cần thiết. Có như vậy mới tránh được tình trạng triển khai rầm rộ, tràn lan nhưng vì thiếu vốn mà dẫn đến tính khả thi thấp, làm giảm lòng tin của nhân dân về chính sách của Nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn: Đang gặp nhiều khó khăn về vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO