Nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM: Góc nhìn từ đội ngũ chuyên trách

Hồng Thoan| 05/07/2018 09:39

Chương trình quốc gia Xây dựng nông thôn mới đang trở thành một phong trào rộng khắp, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng quê. Đồng hành với những thành công này, trước hết phải kể đến đội ngũ chuyên trách làm công tác NTM ở các địa phương trong việc đổi mới tư duy, nhận thức để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chương trình một cách tự nguyện, sáng tạo.

ADQuảng cáo

Cán bộ NTM tỉnh tham quan, tìm hiểu việc liên kết sản xuất tại trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Tăng cường tập huấn chuyên đề

Trong những ngày đầu tháng 6/2018, tại thị xã Gia Nghĩa, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn Seamual Undong (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn cho hơn 80 cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp trong toàn tỉnh về xây dựng chuỗi giá trị. Đợt tập huấn đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho học viên tham gia.

Theo anh Nguyễn Phạm Thành Long, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk R’lấp thì nội dung của lớp tập huấn rất sát thực với những yêu cầu mới của chương trình. Trong đó, việc hoàn thành các tiêu chí về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân là những kiến thức mà đội ngũ trực tiếp làm công tác này đang cần được tiếp thu để vận dụng tại địa phương mình. Qua khóa tập huấn, học  viên đã được trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích nhằm xác định các sản phẩm thế mạnh của địa phương sát với trình độ canh tác của nông dân. Từ đó, những người làm công tác NTM  sẽ có những tham mưu sát, đúng cho Ban chỉ đạo Chương trình NTM huyện về xây dựng chuỗi giá trị sản xuất phù hợp.

Không riêng đợt tập huấn này, thời gian qua, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cấp tỉnh, các huyện, thị xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác NTM ở các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, thôn, bon, buôn theo nội dung 14 chuyên đề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các lớp tập huấn không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về cơ chế, chính sách, quy trình triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 mà còn trang bị thêm cho cán bộ xây dựng NTM những kỹ năng về xây dựng, lập kế hoạch; kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân...

ADQuảng cáo

Cùng với đó, tỉnh đã nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác NTM bằng hình thức gắn tập huấn với tham quan thực tế các điểm sáng về xây dựng NTM cả trong và ngoài tỉnh. Việc tìm hiểu mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, các cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình ở các địa phương cũng có tác dụng lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả.

Theo thống kê, trong năm 2017, Văn phòng điều phối NTM tỉnh tổ chức 4 lớp cho cán bộ NTM từ tỉnh đến thôn, bon, buôn với 452 người tham gia. Văn phòng Điều phối các huyện, thị xã tổ chức 12 lớp tập huấn với 715 người tham gia gồm: Đắk Glong 7 lớp; Gia Nghĩa 3 lớp và Krông Nô 2 lớp.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức được 24 lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến với người dân với 960 lượt người tham gia.  Hội Nông dân tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn về kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cho 480 cán bộ, hội viên nông dân của 8/8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh... Từ các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác NTM từ tỉnh xuống cơ sở không ngừng được hoàn thiện, nâng cao, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Nhận thức đúng để hành động đúng

Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh thì trong xây dựng NTM, rất cần những người tài giỏi, nhạy bén, năng động, hiểu rõ chủ trương, chính sách về chương trình để thực hiện công việc. Họ chính là những tuyên truyền viên giỏi, phát động phong trào một cách khoa học, hợp lý, đi vào lòng dân. Chính vì vậy, việc tập huấn theo các chuyên đề đã hệ thống hóa các khối kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ phụ trách chương trình, nhất là các chuyên đề nghiệp vụ cơ bản, các kỹ năng về vận động người dân, tổ chức, điều hành cuộc họp để xây dựng NTM. Họ cũng được trang bị những nghiệp vụ, sự nhanh nhạy để phát hiện, xử lý mâu thuẫn và xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng. Các kỹ năng lập và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển thôn, bon, buôn, bản theo phương pháp dựa vào nội lực cộng đồng cũng sẽ tạo được sự chủ động, sáng tạo, đạt hiệu quả trong hoạt động chuyên môn của những người làm công tác NTM.

Năm 2018, tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu có thêm 5-6 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 15-16 xã, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 12,8 tiêu chí/xã trở lên. Để đạt được kế hoạch chung này, việc tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xây dựng NTM cho cán bộ ở các cấp, nhất là các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình là một trong những giải pháp trọng tâm được Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đưa ra và đang đẩy mạnh thực hiện. Đây cũng là cơ sở căn bản bước đầu để từng bước đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập của người dân một cách bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM: Góc nhìn từ đội ngũ chuyên trách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO